Thứ năm, 25/04/2024 09:22 (GMT+7)
    Chủ nhật, 09/05/2021 13:27 (GMT+7)

    Nhập cuộc đua xây sân bay, Quảng Ngãi đề xuất làm cảng hàng không quốc tế Lý Sơn

    Theo dõi KTMT trên

    Trong khi loạt sân bay đang phải bù lỗ, đề xuất xây dựng cảng hàng không của nhiều địa phương chưa được chấp thuận, tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT.

    UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, cho phép tỉnh được đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Lý Sơn theo hình thức BOT. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT cho phép cập nhật, bổ sung Cảng hàng không Quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050.

    Nhập cuộc đua xây sân bay, Quảng Ngãi đề xuất làm cảng hàng không quốc tế Lý Sơn - Ảnh 1
    Ảnh minh họa. 

    Theo đề xuất, cảng hàng không quốc tế Lý Sơn sẽ được xây dựng tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là sân bay cấp 4C, có chiều dài đường cất hạ cánh là 2.400m; Phục vụ hoạt động bay dân dụng với năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm. Đáp ứng khai thác các loại tàu bay A320, 321 và tương đương.

    Đáng chú ý, đề xuất này được đưa ra trong lúc Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế và 14 cảng quốc nội. Đến năm 2050, cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng. Như vậy, đề xuất quy hoạch sân bay trước đó của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều chưa được chấp thuận.

    Hàng loạt địa phương đưa ra đề xuất xây dựng cảng hàng không trong thời gian qua đã làm "nóng" dư luận. Theo đó, nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, đặc biệt cơ quan lập quy hoạch là Bộ Giao thông Vân tải cần thận trọng trong xem xét đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng lỗ nhiều năm nay.

    Thực tế, một trong những trở ngại lớn nhất của tỉnh Quảng Ngãi nói chung cũng như đảo Lý Sơn nói riêng đối với việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược quan tâm, đầu tư, xây dựng du lịch theo hướng bền vững và lâu dài tại Lý Sơn, đó là kết nối hạ tầng giao thông. Hiện tại, để đến được đảo Lý Sơn thì chỉ đi bằng đường thủy nên rất bất tiện đối với du khách, đây là cản trở lớn nhất tới việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đảo Lý Sơn nói chung.

    Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát và có diễn biến phức tạp trên quy mô cả nước, khu vực và thế giới cũng là một trong những yếu tố cần tính toán kỹ lưỡng. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4/2021 tăng nhẹ so với tháng 3/2021 nhưng vẫn giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung trong bốn tháng qua, khách quốc tế đến nước ta giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước. 

    Trong báo cáo thẩm định quy hoạch cảng hàng không trình Bộ Giao thông Vận tải đầu tháng 5, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương;

    14 cảng quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo. Đến năm 2050, cả nước có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội. Trong đó sân bay được bổ sung là Cao Bằng.

    Vương Liễu

    Bạn đang đọc bài viết Nhập cuộc đua xây sân bay, Quảng Ngãi đề xuất làm cảng hàng không quốc tế Lý Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
    Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.