Thứ sáu, 22/11/2024 03:40 (GMT+7)
    Thứ tư, 03/03/2021 11:18 (GMT+7)

    ‘Loạn’ đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay

    Theo dõi KTMT trên

    Thời gian qua, chuyện nhiều địa phương đua nhau xin xây dựng sân bay lại rộ lên và thu hút sự chú ý của dư luận với câu hỏi đi cùng: Có quá nhiều sân bay? Và liệu có lãng phí về việc này?

    Dồn dập đề xuất xây dựng sân bay

    Tại tờ trình Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 lên Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước cũng chỉ dừng ở con số 30 cảng hàng không, gồm 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa.

    Như vậy, so với hệ thống 22 cảng hàng không hiện nay, tới năm 2050, hệ thống cảng hàng không toàn quốc sẽ được bổ sung 8 cảng hàng không gồm: cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng hàng không quốc tế thứ 2 vùng thủ đô (sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040), các cảng hàng không Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Trị.

    ‘Loạn’ đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay - Ảnh 1
    Theo định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không cả nước chỉ dừng ở con số 30. (Ảnh minh họa)

    Tuy nhiên, trong thời gian qua, Bộ GTVT vẫn tiếp tục nhận được khá nhiều đề xuất xây dựng sân bay mới. Gần đây nhất, đề xuất xây dựng Cảng hàng không Bình Phước của UBND tỉnh Bình Phước với lý do góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

    Trước đó, Sở GTVT Bắc Giang cũng đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng để thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng. Tương tự, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (nằm ở TP Phan Rang) hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước.

    Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh dù chưa xác định được vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch; UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên.

    Là tỉnh miền núi phía Bắc với 95% người dân là đồng bào dân tộc, UBND tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch hay Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại huyện Bắc Quang.

    Ngoài việc đề nghị bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch, một số tỉnh đã có sân bay đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như: Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…

    Cần cân nhắc tính khả thi 

    Nhận định về các địa phương ồ ạt đề xuất xây mới, nâng cấp sân bay, giới chuyên gia hàng không cho rằng, theo các chuyên gia cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế.

    Bởi nhìn rộng ra cũng phải tính toán đến dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam đang được xây dựng, rồi các cao tốc, quốc lộ, đường thủy trong tương lai ... sẽ tác động thế nào đến nhu cầu đi lại của địa phương. Đến lúc mạng lưới giao thông quốc gia cũng như nội tỉnh hình thành thì sân bay lại... lãng phí. 

    Ở góc nhìn chuyên môn, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, hiện quy hoạch về phát triển giao thông đang bị buông lỏng, chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông mang tính chiến lược, tối ưu hoá. Tình trạng này khiến nhiều địa phương đưa ra những đề nghị phát triển giao thông không theo bất kỳ một quy hoạch nào, chiến lược phát triển giao thông đường sắt, đường sông, đường bộ và cả đường hàng không không được tính toán xây dựng đồng bộ. Trong khi đó, các nước giàu trên thế giới hiện nay đang quy hoạch 400-500 km mới có một sân bay, cự ly ngắn sử dụng tàu hoả, tàu cao tốc và đường bộ.

    Cũng trao đổi với báo Thanh Niên về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, ĐH Bách khoa TP.HCM, đề xuất sân bay phải trên cơ sở đảm bảo 2 yếu tố chính là: sân bay phục vụ vùng dân cư nào và hiệu quả tài chính của từng sân bay.

    “Sân bay không chỉ phục vụ riêng cho dân cư tại mỗi tỉnh mà còn vùng lân cận, ví dụ sân bay Huế, Đồng Hới (Quảng Bình) phục vụ cho cả người dân Quảng Trị, cả khách du lịch. Nếu sân bay mà bản thân dân cư địa phương không đông, khách du lịch không nhiều thì chắc chắn lỗ. Ví dụ như xây thêm sân bay Quảng Trị san sẻ khách với Đồng Hới thì không chỉ Quảng Trị lỗ mà Đồng Hới cũng thêm lỗ”, ông Tống nói.

    Cũng theo ông Tống, các hãng hàng không, đặc biệt là hãng tư nhân, không dại gì mở đường bay tới các sân bay ít khách. Nếu mỗi sân bay chỉ phục vụ 2 - 3 chuyến bay mỗi ngày thì không đủ chi phí để duy trì cơ sở hạ tầng, chưa nói đến có hiệu quả tài chính. Đây là lý do các địa phương phải cân nhắc khi mong muốn xây sân bay, đặc biệt cơ quan lập quy hoạch là Bộ GTVT cần thận trọng trong xem xét đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của quy hoạch, tránh tình trạng chịu “sức ép” hay nể nang mà bổ sung quy hoạch. Nhất là trong bối cảnh rất nhiều sân bay nhỏ đang trong tình trạng lỗ nhiều năm nay.

    Theo số liệu thống kê của ngành giao thông cho thấy, hiện cả nước chỉ có 6/23 sân bay kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi); 17 sân bay bị thua lỗ và phải lấy lợi nhuận các cảng có lãi bù qua. 

    Tại thời điểm ACV tiến hành bán cổ phần lần đầu (IPO) cách đây 4 năm, bản cáo bạch cho biết: trong số các sân bay do ACV quản lý trên cả nước, chỉ có cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng có lãi. Tất cả các sân bay còn lại đều lỗ và phải lấy doanh thu, lợi nhuận từ các sân bay có lãi bù qua để duy trì hoạt động.

    Mới đây, có thêm 3 cảng hàng không: Cam Ranh (Nha Trang), Liên Khương (Đà Lạt) và Phú Bài (Huế) bắt đầu có lãi. Trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ cân đối được thu chi hơn một năm nay. Kể cả các sân bay nhộn nhịp như Phú Quốc, Phú Bài... đều báo lỗ từ 40-90 tỉ đồng/năm. Sân bay Côn Đảo được cho là có mức lỗ thấp, khoảng gần 10 tỉ đồng/năm. Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) tại thời điểm không có Covid-19 đã khai thác vượt thiết kế nhưng cũng lỗ hơn 60 tỉ đồng/năm.

    Hoài Thu

    Bạn đang đọc bài viết ‘Loạn’ đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
    UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.