Nhận tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga – Ukraine, giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu
Trước những diễn biến tích cực trong tiến trình đàm phán Nga-Ukraine, giá dầu thế giới hôm nay (15/3) tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 100 USD/thùng.
Ghi nhận trong phiên giao dịch lúc 15h chiều nay (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức giá 97,43 USD/thùng, giảm 5,88 USD/thùng, tương đương với mức giảm 5,42% so với chốt phiên ngày 14/3. Giá dầu Brent Biển Bắc cùng thời điểm là 100,84 USD/thùng, giảm 6,06 USD/thùng, tương đương mức giảm 5,63 USD/thùng so với chốt phiên trước đó.
Đây là mức giá thấp nhất của dầu thô trong hai tuần trở lại đây. Lần đầu tiên kể từ ngày 1/3, dầu WTI xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng.
Những tín hiệu tích cực từ đàm phán giữa Nga và Ukraine được cho là đã làm giảm sức ép lên giá dầu thế giới.
Ngoài ra, việc chính quyền thành phố Thâm Quyến - trung tâm công nghệ của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng do Covid-19 được cho là có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khiến giới đầu tư cân nhắc lại dự báo về nhu cầu dầu mỏ.
Trước đó, ngày 14/3, giá dầu thế giới cũng giảm mạnh. Dầu WTI có thời điểm giảm 8,75% về mức 99,76 USD/thùng. Dầu Brent có lúc cũng rớt 8% xuống mức giá 103,68 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá dầu sẽ tăng cao trong tương lai gần. Các nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường Commerzbank Research (Đức) cho biết giá dầu sẽ ở mức trên 100 USD/thùng trong quý 2/2022.
Dù giảm mạnh từ đầu tuần này, nhưng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cả 2 loại dầu Brent và WTI đều tăng giá mạnh. Giá dầu Brent đã chạm mức 139,13 USD/thùng vào ngày 7/3 (mức cao nhất kể từ năm 2008). Tính từ đầu năm nay, 2 mặt hàng dầu này đã tăng khoảng 36%.
Ông Bjornar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, nhận định: "Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong hàng thập kỷ qua. Sự bất ổn trên các thị trường năng lượng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Giá dầu tăng mạnh do những đồn đoán rằng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn nữa do các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga".
Theo ông Tonhaugen, các biện pháp trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây đối với Nga, nước xuất khẩu năng lượng lớn thứ hai thế giới, sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, một khối lượng không thể nhanh chóng được thay thế bằng các nguồn cung khác. Ông Tonhaugen cho rằng thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi giá dầu tăng gấp đôi.
Ngoài ra, ông Tonhaugen nói thêm nếu hoạt động xuất khẩu 4,3 triệu thùng/ngày sang phương Tây của Nga bị dừng lại vào tháng 4/2022, trong khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều giữ nguyên mức nhập khẩu dầu thô như hiện nay, giá dầu Brent sẽ tăng vọt lên 240 USD/thùng vào mùa Hè năm nay và điều này sẽ hủy hoại nhu cầu, tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Còn tại thị trường trong nước, giá dầu đang ở mức cao kỷ lục. Hiện giá bán lẻ xăng E5 RON 92 không quá 28.985 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 29.824 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.268 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.918 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.987 đồng/kg.
Trước diễn biến giá dầu thế giới những ngày qua giảm mạnh, cùng với động thái đề xuất giảm 50%, tương đương 2.000 đồng/lít xăng, dầu là 2 yếu tố giúp giá xăng trong nước có thể sẽ tụt nhanh trong kỳ điều hành tới.
Hà Lan (T/h)