Thứ năm, 03/04/2025 04:20 (GMT+7)
Chủ nhật, 17/01/2021 10:30 (GMT+7)

Nhà máy nghìn tỉ nhưng xử lý rác thải thủ công

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm qua, việc xử lý rác thải của thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và các địa phương lân cận đều thực hiện theo kiểu chôn lấp và đốt tại nhà máy. Việc xử lý rác kiểu thủ công trên đã làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhà máy nghìn tỉ nhưng xử lý rác thải thủ công - Ảnh 1
Rác chủ yếu được chôn, đốt lộ thiên. 

Năm 2013, Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Kon Tum (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum) được triển khai xây dựng tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Nhà máy có công suất theo thiết kế 200 tấn rác sinh hoạt/ngày, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động mang theo nhiều kỳ vọng của người dân trong việc xử lý triệt để rác thải, không gây ô nhiễm môi trường.  

Theo thiết kế, khi rác đưa vào nhà máy sẽ được phân loại, tách riêng, rác hữu cơ được chế biến thành phân vi sinh, nilon xử lý thành hạt nhựa. Với rác độc hại, nguy hại có điểm xử lý riêng. Nhà máy có lò đốt chất thải rắn để xử lý rác thải không còn khả năng tái chế…

Từ khi đi vào hoạt động, rác thải sinh hoạt của thành phố Kon Tum và các huyện lân cận như Sa Thầy, Kon Rẫy… đều được các chủ đầu tư (Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố) đặt hàng, chỉ định cho nhà máy này xử lý.

Được ưu ái nhưng nhiều năm qua, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum nghiêm túc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phê duyệt. Nhà máy không có hệ thống lò đốt chất thải rắn để xử lý rác thải không có khả năng tái chế nên rác được phân loại, làm phân vi sinh, hạt nhựa còn lại chôn và đốt lộ thiên. Việc nhà máy xử lý rác có mức đầu tư lớn nhưng lại xử lý theo kiểu thủ công đã gây ô nhiễm môi trường (hôi, cháy âm ỉ, khói bốc lên hàng ngày) khiến người dân bức xúc.

Trước sự việc trên, năm 2020, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã kiểm tra nhà máy này. Tại đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Kon Tum (công văn số 1349/STNMT-CCBVMT ngày 1/6/2020). Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư lò đốt chất thải rắn; cấm việc đốt rác lộ thiên trong khu vực nhà máy… Tuy nhiên đến nay các giải pháp bảo vệ môi trường của nhà máy xử lý rác vẫn chưa thực hiện. Việc xử lý rác vẫn tiến hành thủ công như trước đây.

Nhà máy nghìn tỉ nhưng xử lý rác thải thủ công - Ảnh 2
Việc nhà máy xử lý rác có mức đầu tư lớn nhưng lại xử lý theo kiểu thủ công đã gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Nghinh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum thừa nhận: Nhà máy chưa đầu tư lò đốt, chưa hoàn thành nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường.

Vì không đảm bảo yếu tố môi trường nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum đã bị loại hồ sơ trong buổi đấu thầu thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải năm 2021 của thành phố Kon Tum - địa bàn cung cấp 80% rác để nhà máy xử lý.

Ông Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum, chủ gói mời thầu cho biết: Gói thầu thu gom, vận chuyển, xử lý rác nhưng hồ sơ kỹ thuật của liên doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Nguyên Kon Tum không có các tài liệu để chứng minh nhà máy đã hoàn thành và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Cụ thể, thiếu văn bản kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng với nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra, máy móc thiết bị chưa đáp ứng theo hồ sơ mời thầu, không đủ phương tiện vận chuyển…

Được biết, năm 2020, tỉnh Kon Tum đã có thêm một Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà (tại địa bàn huyện Đăk Hà) đưa vào hoạt động đã tạo sự cạnh tranh trong việc thu gom xử lý rác trên địa bàn thành phố Kon Tum và các địa phương lân cận.

Cao Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy nghìn tỉ nhưng xử lý rác thải thủ công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.
Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.

Tin mới

Thay đổi công suất sản xuất và bổ sung sản phẩm: Dự án có phải xin cấp lại giấy phép môi trường?
Tình huống pháp lý của một công ty hoạt động sản xuất vật tư y tế đã được cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, nay có kế hoạch nhằm bổ sung thêm một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây.
Vingroup tổ chức "Ngày hội Xanh 2025" tại Ocean City
Vingroup sẽ tổ chức Ngày hội Xanh thường niên 2025 tại Ocean City vào ngày 13/4/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên Xanh - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...