Nguyên tắc 4T cho rác thải nhựa dùng 1 lần tại Việt Nam
WWF Việt Nam khuyến cáo giảm rác thải nhựa theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.
Thực trạng đáng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam
Trước thực trạng có quá nhiều rác thải nhựa "tràn" ra đại dương, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam vừa phát đi thông điệp nhấn mạnh rằng “giảm rác thải nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch”.
Đây cũng là nội dung chính của chiến dịch truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do WWF Việt Nam thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy thói quen tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện WWF Việt Nam cho biết các số liệu thống kê cho thấy tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày lượng rác nhựa thải ra môi trường vào khoảng 2.500 tấn, trong đó khối lượng rác nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm. Chỉ riêng trong năm 2018, ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác nhựa.
Đáng nói là nhựa chiếm đến 64% tỉ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.
Hệ lụy của rác thải nhựa không chỉ thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương, mà còn để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe đối với chính con người.
Dù vậy, theo báo cáo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng 1 lần của WWF Việt Nam (thực hiện gần đây tại 9 tỉnh/thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang) cho thấy việc sử dụng nhựa dùng 1 lần vẫn đang là hành vi rất phổ biến.
Mặc dù nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa đã được nâng cao nhưng thói quen sử dụng nhựa dùng 1 lần chưa có dấu hiệu giảm rõ ràng.
Trước thực trạng đáng báo động nêu trên, WWF Việt Nam cho rằng những nỗ lực tuyên truyền mang đến cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm cá nhân trong giảm thiểu rác thải nhựa sẽ hỗ trợ nâng cao ý thức, ứng xử của thế hệ trẻ và các thế hệ tương lai trong việc giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường.
Các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa
Theo WWF Việt Nam, giảm rác thải nhựa không chỉ là câu chuyện của các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ môi trường, mà là việc của chính mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có thể chủ động giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng cách từ chối túi nylon hay đề nghị người bán không dùng ống hút cho ly nước của mình.
Các cơ quan quản lý cũng cần đề nghị doanh nghiệp giảm đồ nhựa dùng 1 lần hoặc sử dụng các lựa chọn thay thế trong sản phẩm và dịch vụ, hay chủ động phân loại rác ngay tại nhà để tăng lượng rác có thể tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường...
Với tầm quan trọng đó, WWF Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng Việt Nam cần giảm thiểu rác thải nhựa theo nguyên tắc 4T: Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế.
Theo đó, với nguyên tắc Từ chối, WWF Việt Nam khuyến khích người tiêu dùng áp dụng trong trường hợp các sản phẩm, đặc biệt là nhựa dùng 1 lần, được phân phát miễn phí và rộng rãi. Ví dụ như túi nylon khi đi mua sắm hoặc ống hút nhựa khi mua đồ uống. Để tăng tính thuyết phục, người tiêu dùng có thể nói với nhân viên cửa hàng rằng mình sẽ từ chối nhận sản phẩm đó nếu nó đi kèm nhựa dùng 1 lần.
Tương tự với nguyên tắc Tiết giảm, trước khi mua sắm, người tiêu dùng cần suy nghĩ lại về nhu cầu - liệu mình có thực sự cần món đồ này không? Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần nếu có thể. Ưu tiên lựa chọn bao bì thân thiện với môi trường khi đi mua sắm.
Với nguyên tắc Tái sử dụng, với những đồ nhựa đã qua sử dụng nhưng vẫn có thể dùng lại được như chai, hộp, túi nilon đi chợ… người tiêu dùng nên vệ sinh sạch sẽ và giữ lại để tiếp tục sử dụng.
Nguyên tắc quan trọng nhất là Tái chế. Người tiêu dùng có thể biến đồ vật đã qua sử dụng một công năng mới. Ví dụ biến bình nước thành lọ hoa, chậu nhựa hỏng thành bồn cây, chai nước suối thành đồ chơi cho trẻ...
Nguyễn Linh (T/h)