Thứ năm, 04/07/2024 14:06 (GMT+7)
Thứ ba, 04/06/2024 17:11 (GMT+7)

Nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và 4 giải pháp khắc phục

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra 4 giải pháp khắc phục ngay tình trạng trên.

Thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi trong phiên chất vấn sáng 4/6. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đã gây nên tình trạng sạt lở không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà cả miền Bắc và miền Trung. 

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính gây ra sạt lở, lún ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Một là do nền địa chất của Đồng bằng sông Cửu Long được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ. So với tất cả các đồng bằng của thế giới thì địa chất của Đồng bằng sông Cửu Long non trẻ nhất. Theo hệ thống giám sát quan trắc hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tự lún.

"Chúng tôi đo được các phễu lún, từ năm 2005 đến năm 2017 lún đến 10 cm, tất cả đều do nền địa chất quá non trẻ", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thêm.

Hai là, trước đây lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long về đầy đủ hơn. Hiện nay, lượng phù sa giảm rất lớn, đây cũng là một hiện tượng gây thiếu hụt nguồn phù sa bồi đắp, là một tác nhân gây ra sạt lở, sụt lún.

Ba là, trong quá trình phát triển, người dân xây dựng đô thị, xây dựng khu dân cư, nuôi trồng thủy sản,... cũng làm tăng tải trọng, lấn chiếm bờ sông, thay đổi dòng chảy.

Bốn là, là việc khai thác cát trái phép, các mỏ khai thác cát đều được đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên vẫn có tình trạng không quản lý được dẫn đến khai thác trái phép.

Nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và 4 giải pháp khắc phục - Ảnh 1
Tình trạng sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Internet)

Bộ trưởng cho hay, sắp tới, Bộ TN&MT sẽ đánh giá tổng thể vùng nào được phép khai thác cát và sắp xếp lại dân cư ở các vùng có nguy cơ sạt lở, xử lý việc lấn chiếm dòng sông, bờ sông.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm có đợt lũ lụt và mưa lớn nên cần phải lường trước và có kế hoạch ứng phó. Về sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do địa chất của vùng còn non trẻ nên vẫn đang tự lún, như từ Cần Thơ giai đoạn 2005 - 2017 lún khoảng 10 cm.

Sau khi đưa ra những nguyên nhân gây sạt lở và sụt lún, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu ra giải pháp căn cơ cần thực hiện ngay để khắc phục tình trạng trên.

Thứ nhất, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Thủ tướng giao đánh giá Đề án về trữ lượng cát sỏi, lòng sông của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, các cơ quan liên quan sẽ biết được tổng thể những vùng có thể khai thác, trữ lượng khai thác như thế nào để có giải pháp ứng phó cụ thể, trước đây chúng ta chưa nghiên cứu vấn đề này.

Giải pháp tiếp theo là các địa phương phải có quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại dân cư những vùng có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, những vùng nào nguy cơ cảnh báo cao thì phải thực hiện ngay việc quy hoạch, bố trí lại dân cư.

Thứ ba là xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông, có nhiều khúc sông phần diện tích xây dựng trên đất ít hơn diện tích lấn chiếm ở ngoài vì thay đổi dòng chảy, đây là một tác nhân rất lớn.

Cuối cùng, cần nâng cao khả năng cảnh báo và dự báo. Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn có bản tin về thủy văn, bản tin về cảnh báo dự báo 10 ngày, hằng tháng.

Được biết, tình trạng sụt lún tại đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng hơn. Năm 2019, các kết quả khảo sát ghi nhận, tốc độ sụt lún ở một số nơi của vùng lên đến 5,74 cm/năm, cao từ 3-4 lần, có nơi hơn 10 lần mực nước biển dâng. Trong 10 năm (2012 - 2022), tốc độ khoáng sâu đất trung bình ở ĐBSCL khoảng 0,96 cm/năm , nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng ( khoảng 0,35 cm/năm).

Theo thống kê từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là những điểm nóng về sạt lở với phạm vi, tốc độ sạt lở mạnh.

Trong đó, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long đều có nguy cơ ngập, trong đó một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ).

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân gây sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long và 4 giải pháp khắc phục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đón khách Ấn Độ: Hiểu đúng để phục vụ tốt hơn
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách Ấn Độ. Tuy nhiên, để đón và phục vụ thị trường khách này không phải dễ nhưng nếu hiểu được sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành phục vụ thị trường khách này tốt hơn.