Thứ bảy, 07/09/2024 21:10 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/06/2022 10:55 (GMT+7)

Nguy cơ "ế" 15.000 tỷ đồng cho vay vì thiếu nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Nhà ở xã hội (NƠXH) hiện nay với nguồn cung ít khiến gói vay ưu đãi cho người mua nhà 15.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm (2022-2023) có nguy cơ bị “ế”.

Thiếu nguồn cung để cho người dân mua NƠXH

Theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn NƠXH gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

Nguy cơ "ế" 15.000 tỷ đồng cho vay vì thiếu nhà ở xã hội - Ảnh 1
Hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản.

Cũng theo ông Khởi, hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản.

Ông Khởi nói: "15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp nhưng bây giờ lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua NƠXH. Tức là muốn giải ngân 15.000 tỷ đồng trên phải có nguồn cung NƠXH cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ?".

Nguy cơ "ế" 15.000 tỷ đồng cho vay vì thiếu nhà ở xã hội - Ảnh 2
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54 ngàn căn hộ. NƠXH cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Hiện nay, cả nước đang tiếp tục triển khai 339 dự án NƠXH, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Bộ Xây dựng trước đó cũng có công văn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội về nhu cầu cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, trên tổng số vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong năm 2022 và 2023, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, năm 2023 (8.200 tỷ đồng).

Doanh nghiệp vào cuộc đua

Thông tin mới đây cho thấy, các dự án nhà ở xã hội của Vinhomes sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50-60 ha. Dự kiến giá bán căn hộ sẽ dao động từ 300-950 triệu đồng mỗi căn. Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp "nâng tầm" nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích như: Công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…

Hay như Viglacera cũng sẽ đầu tư phát triển các dự án mới, có thể kể đến nhà ở công nhân/nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP.Hà Nội); khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ); khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).

Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã "đánh tiếng" chung tay xây dựng nhà ở thu nhập thấp như Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group), Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng đã bắt tay làm hàng triệu nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Theo thông tin công bố, các doanh nghiệp trên sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Mức giá có thể thấp hơn nếu doanh nghiệp nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất...

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi tham gia làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ giúp người mua yên tâm hơn về chất lượng của dự án. Bởi những doanh nghiệp lớn đã có uy tín trên thị trường với nhiều dự án cao cấp thì khi làm nhà bình dân cũng sẽ chỉn chu và bài bản hơn.

Một chuyên gia cho biết: "Đầu tư nhà ở xã hội chỉ khó giai đoạn đầu, bởi do được nhiều ưu đãi nên việc thẩm định sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, khi đã "qua ải" này, thì mọi thứ sẽ vào guồng quay".

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nguy cơ "ế" 15.000 tỷ đồng cho vay vì thiếu nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.