Người Việt giữa mùa dịch Covid-19: Hình ảnh nhân văn – Tấm lòng nhân ái
Giữa giai đoạn khó khăn bởi đại dịch toàn cầu Covid-19, ở bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng có thể bắt gặp những câu chuyện ấm lòng mang tinh thần lạc quan, nhân ái và nhiều giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 24/12/2020, đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát. Dịch Covid-19 ập đến cũng giống như những lần đất nước đối mặt với nguy nan, cộng đồng dân tộc lập tức như được “kích hoạt” với truyền thống đoàn kết, ý chí đặc biệt. Trong bối cảnh đó, bệ đỡ văn hóa Việt Nam với truyền thống chống thiên tai đại dịch họa từ thuở khai thiên lập địa, kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, đồng lòng từ chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước, đã phát huy tối đa thế mạnh, biến những tinh hoa của dân tộc thành một sức mạnh tổng hợp: Toàn dân đoàn kết, tuân thủ triệt các khuyến cáo và chính sách cách ly, giãn cách của Chính phủ; Tinh thần tương thân tương ái được phát huy.
1. San sẻ tình yêu thương giữa con người
Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng, những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để chia sẻ với ý thức "người trong một nước phải thương nhau cùng".
Đó là những hành động đẹp mang đầy tính nhân đạo, nhân văn mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy trên đường phố hay được thông tin rộng rãi trên các trang mạng xã hội, như: “Nơi cung cấp phần ăn miễn phí cho người khó khăn”, “ATM gạo miễn phí”, “Bếp ăn từ thiện phục vụ cho các khu cách ly tập trung”, “Điểm phát cơm chay”, “Chuyến xe nghĩa tình”… hay cậu bé đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ, những bà cụ làm ra những chiếc khẩu trang để tặng, các cơ quan, tổ chức phát tặng khẩu trang, dung dịch rửa tay cho mọi người, nhất là những người có đời sống khó khăn... đã khiến cho mọi người vô cùng xúc động trong những ngày khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều mô hình vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền nhà, tiền phòng cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã thuyết phục hàng chục ngàn chủ nhà trọ cùng chia sẻ khó khăn với người thuê trọ. Theo báo cáo, đến nay, 16/30 quận huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã vận động được 30.109 chủ nhà trọ thực hiện giảm tiền thuê phòng trọ với tổng số tiền trên 26,6 tỉ đồng, đồng thời vận động trên 2.000 chủ nhà miễn giảm tiền thuê cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, người nước ngoài trị giá trên 7,235 tỉ đồng.
Ông Hoàng Xuân Tảo, số nhà 23, ngõ 259, phố Yên Hòa (Cầu Giấy), 1 trong số 15 chủ nhà trọ tiêu biểu được Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tuyên dương ngày 31/8, cho biết, gia đình ông có 30 phòng trọ đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng từ sinh viên, người lao động tới vợ chồng trẻ. Từ tháng 5/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình ông đã quyết định giảm tiền phòng cho người thuê trọ. Tùy vào mức giá thuê phòng, số tiền giảm sẽ được cân nhắc giảm từ 25-30%. Mỗi tháng, gia đình ông đã hỗ trợ các hộ thuê trọ số tiền từ 15-20 triệu đồng.
Ngoài ra, Chương trình “Triệu bữa cơm - Tấm lòng Doanh nghiệp trẻ Hà Nội” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã triển khai, là sự tiếp nối thành công và những giá trị nhân văn của chuỗi chương trình Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình đã được triển khai qua 2 giai đoạn với gần 70.000 suất ăn được gửi tới những hoàn cảnh khó khăn trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách. Với tấm lòng nhân ái để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch, mỗi phần cơm gửi gắm nhiều tình cảm, yêu thương, mong muốn góp thêm sức mạnh để đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, người dân cùng mạnh mẽ vượt qua đại dịch.
Hay như câu chuyện cảm động của những tình nguyện viên hỗ trợ F0. Được biết, trước khi trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ F0, Huỳnh Quang Phú, sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã vượt qua và chiến thắng Covid-19.
Trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 là mong muốn từ trước của Phú. Ban đầu, sinh viên này có ý định về quê đăng ký tình nguyện viên khi dịch Covid-19 bùng phát tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhưng khi trở thành F0 và bị mắc kẹt tại TP.HCM, chỉ 5 ngày sau khi trở về KTX, Phú đã đăng ký và trở thành tình nguyện viên hỗ trợ F0 của P.7 (Q.10), làm việc tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.10). Ngay trong thời gian điều trị, Phú đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều tình nguyện viên khác. Theo Phú, “lý do đơn giản là mình rất thích làm những việc mang ý nghĩa giúp đỡ mọi người, làm những công việc theo tiếng gọi con tim mình”, chàng trai trẻ tâm sự.
2. Bộ đội, công an và các y bác sĩ “chi viện” miền Nam chống dịch
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh, công an các địa phương phía Nam đã huy động tối đa lực lượng tham gia chống dịch, với hơn 100.000 lượt chiến sĩ đã tham gia phòng chống dịch trên tất cả các trận tuyến.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, rất nhiều chiến sĩ, nhiều đơn vị đã 3 tháng nay không nghỉ ngơi, hầu như làm 24/24. Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ chiến sĩ, hơn 2.500 học viên trường công an tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân.
Ngoài ra, có hơn 600 cán bộ y tế của công an tham gia điều trị Covid-19 tại các bệnh viện TP.HCM và các bệnh viện dã chiến của Công an. Hơn 900 cán bộ chiến sĩ công an, các lực lượng đã vào hỗ trợ 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An phòng chống dịch.
Được biết, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24 nghìn người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi. Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khỏe của người dân. Trong một thời gian ngắn, hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động đã được triển khai để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm chuyển nặng, giảm tử vong, trong khi nếu điều kiện bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện.
Đặc biệt, hơn 24 nghìn người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Chúng ta tự hào, qua mỗi thử thách cam go, đội ngũ y tế của chúng ta càng trưởng thành, cả về bản lĩnh, ý chí, cả về lòng quả cảm, cả về kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc.
Qua đây, chúng ta tự tin khẳng định: Dù khó khăn, gian khổ chừng nào, chúng ta cũng vượt qua được nếu đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, đùm bọc, thương yêu, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn nhất, tất cả vì nhân dân, góp phần đưa đất nước hùng cường và thịnh vượng. Bên cạnh đó, khó khăn, thử thách cũng làm bộc lộ ra những hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại, có giải pháp khắc phục, như về năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở.
Như câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM…
3. Phóng sự VTV Đặc biệt
Bộ phim tài liệu phóng sự "Ranh giới" chính thức lên sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam vào tháng 9/2021. Những hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngày đêm giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Hùng Vương đã khiến người xem không khỏi day dứt, bàng hoàng và xót xa. Đi sâu vào nơi tâm dịch, nơi có những bệnh nhân mang trên mình hai sinh mệnh, các y bác sĩ đã phải đứng trước rất nhiều ranh giới và sự lựa chọn.
Căng thẳng, hồi hộp, ám ảnh và có cả những khoảnh khắc nhạt nhòa nước mắt…, “Ranh giới” mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, nhưng trên hết, đó là sự cảm phục, ngưỡng mộ, sự rung động, tha thiết tri ân khó nói hết bằng lời đối với đối với đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và nói như chính nhân vật nữ bác sĩ đang điều trị cho các sản phụ trong phim là "để thấy cuộc sống này quý giá, thấy mình cần sống dũng cảm hơn, tử tế hơn".
Trên hết, bộ phim ngợi ca tinh thần cao cả, sự hy sinh hết mình, không màng đến hiểm nguy bản thân của các bác sĩ để cứu chữa và giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Nếu như "Ranh giới" - bộ phim VTV Đặc biệt thứ nhất của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khiến khán giả không khỏi bàng hoàng, ám ảnh và sốc khi được thấy những gì đã và đang diễn ra nơi tâm dịch, thì ở bộ phim thứ 2 - "Ngày con chào đời" mang đến nhiều hình ảnh nhẹ nhàng, sâu lắng và chứa đựng nhiều hy vọng hơn.
Lần này, những hình ảnh ám ảnh về các bệnh nhân thai phụ mắc Covid-19, những phút giây căng thẳng giành giật sự sống cho bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ sẽ được thay thế bằng những khoảnh khắc các em bé chào đời, giây phút xúc động khi các thai phụ nhìn thấy con cất tiếng khóc ngay trong nơi tâm dịch.
4. Chương trình “Sóng và máy tính cho em”
Trong lúc cả nước đang căng sức chống đại dịch Covid-19 và cuộc sống của hàng triệu trẻ em ở độ tuổi đến trường đang chịu tác động mạnh mẽ từ việc giãn cách xã hội thì sự ra đời của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là rất kịp thời và giàu tính nhân văn.
Trong phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, vất vả về điều kiện học tập của học sinh, giáo viên trong giai đoạn hiện nay. Khẳng định chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, Thủ tướng cho rằng, ngoài việc hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình còn góp phần để chúng ta hướng tới phủ sóng Internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.
“Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số và đặc biệt làm cho các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các em học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng” - Thủ tướng khẳng định.
Có thể thấy, những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của từ em nhỏ cho đến người già, của các cấp, các ngành, của đồng bào ta trong và ngoài nước đều được lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, vì mục đích cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày và còn được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình, khiến những kẻ lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi cá nhân, đầu cơ, tăng giá, chen lấn tích trữ đồ ăn, trốn khỏi nơi cách ly, hay những đòi hỏi quá mức tại khu cách ly, xuyên tạc, chống phá… phải tự vấn lương tâm mà tự thấy xấu hổ.
“Cuộc chiến” này có thể còn kéo dài, vì thế mà cũng sẽ cần nhiều hơn nữa những tấm lòng nhân ái, phát huy tinh thần “vì mọi người”, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", phát huy hơn nữa một trong những giá trị nhân văn cao cả của người Việt!
Ngọc Ánh (T/h)