Người tiên phong đưa ẩm thực Phúc Kiến đến Hà Nội
Đất nước Trung Hoa rộng lớn là một trong những cái nôi văn minh nhân loại. Nghệ thuật ẩm thực Trung Quốc cũng được xếp vào hạng bậc nhất thế giới bởi tính đa dạng, phong phú và độc đáo.
Đến nay, Trung Quốc có tới 8 phong cách ẩm thực, gồm: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Hồ Nam, An Huy và Phúc Kiến. Sự hình thành của các trường phái này không thể tách rời nghệ thuật nấu ăn đặc sắc, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, hay thói quen ăn uống của những người dân tại vùng miền đó.
Những món ăn đặc trưng của đất nước đông dân nhất thế giới được cả thực khách trong nước và quốc tế ghi nhận, như: vịt quay Bắc Kinh, vịt hồ lô An Huy, lợn quay và tam xà Quảng Đông, vây cá An Huy. Riêng với Phúc Kiến, món ăn đặc sắc nhất lại có cái tên chẳng giống ai "Phật trèo tường".
Món ngon đặc sản Phúc Kiến. Ảnh minh họa |
Sở dĩ món ăn truyền thống "Phật trèo tường" đã tồn tại hơn 1.000 năm nay là do thời nhà Đường, tương truyền rằng có một quán ăn nằm bên cạnh một ngôi chùa, mỗi khi quán nấu món ăn này thì từ các chú tiểu đến hòa thượng cũng phải trèo tường qua để… hít hà cho đỡ nhớ “mùi trần”. Món đặc sản “Phật trèo tường” được biết đến gồm một số loại nguyên liệu chính, như: vi cá, bào ngư, gân nai, nấm,… và một vài loại hải sản khác, bởi Phúc Kiến là tỉnh ven biển và là địa phương có ngôn ngữ, văn hóa đa dạng nhất.
Mỳ vằn thắn - Món ngon đặc sản của Trung Quốc, khiến thực khách nếm thử đều khó quên. Ảnh minh họa |
Ngoài món ăn “Phật trèo tường”, Phúc Kiến còn ghi danh trên bản đồ ẩm thực thế giới bằng những “món ăn vặt, ăn nhẹ” có nguồn gốc từ huyện Sa. Theo thống kê, các đầu bếp xuất thân từ huyện Sa (Phúc Kiến) đã mở tới hơn 60.000 cửa hàng ăn vặt trên khắp thế giới, trong đó có cả ở Anh, Mỹ, Pháp, Úc,…
Trong một lần loanh quanh phố phường Hà Nội để thưởng thức ẩm thực Trung Hoa, tôi (PV) có cơ may được gặp gỡ và trò truyện với ông Lưu Cẩm Nghi, một người dân ở huyện Sa (Phúc Kiến) và là người đầu tiên đưa món ăn dân dã mà đặc sắc của quê hương ông đến với người dân và khách sành ăn ở Hà Nội.
Đầu bếp đang làm bánh theo phong cách ẩm thực Phúc Kiến. |
Ông Nghi cho biết, công ty của ông thành lập từ năm 1990, là một trong số những công ty của Tập đoàn Huyện Sa, với các cửa hàng đồ ăn vặt đều có sự thống nhất cả về quy trình sản xuất, bàn ghế, trang phục,... Ở Trung Quốc, tập đoàn này đăng ký bản quyền hơn 200 món ăn. Kinh doanh đồ ăn vặt đã trở thành nguồn thu nhập chính của dân huyện Sa, không ít người dân đã làm giàu được từ nghề này.
Đến Hà Nội đầu năm 2018, bước đầu ông Nghi và các đầu bếp mới chỉ giới thiệu đến thực khách thủ đô hơn 20 món ăn nhẹ, đều được chế biến từ bí quyết “chân truyền” của món ngon Trung Quốc, món ăn huyện Sa (Phúc Kiến).
Chứng kiến các đầu bếp Phúc Kiến làm việc, tôi thấy họ giống như những người nghệ sĩ đích thực, chú trọng tới từng chi tiết tỉ mỉ nhất. Cũng là bát mỳ vằn thắn nhưng từ sợi mỳ đến vằn thắn đều được chế biến vô cùng kỳ công, sao cho ngon và đẹp mắt nhất. Nước dùng trong vắt, không có bóng, gan, tôm he, xá xíu như mỳ vằn thắn ở nước ta. Có lẽ do đã từng mở cửa hàng ở nhiều nơi trên thế giới, các món ăn có sự “giao lưu”, kết hợp với nhiều nguyên liệu bản địa nên mỳ vằn thắn Huyện Sa ở Hà Nội có thêm cả rau muống, ăn khá nổi vị.
Xin kể qua vài món hấp dẫn khác của Huyện Sa tại quán của ông Nghi, như: sủi cảo chiên thơm, vằn thắn chiên thơm, cảo hấp liễu diệp, mì trộn thơm lừng, vằn thắn “sướng miệng”. Mỗi món ăn vặt của Phúc Kiến ở đây đều vừa ngon lại vừa có giá phải chăng, giống các món ăn bình dân của Hà Nội nên chắc chắn sẽ hút khách.
Với thành công bước đầu, ông Lưu Cẩm Nghi bày tỏ ước muốn nhân rộng mô hình cửa hàng số 34 Phố Trúc Khê (Hà Nội) ra nhiều quận huyện khác, nhằm thu hút lao động và nguyên liệu địa phương, góp phần giới thiệu món ăn đặc sắc của Phúc Kiến đến với đông đảo người dân thủ đô.
Nguyễn Văn