Thứ sáu, 22/11/2024 23:42 (GMT+7)
Thứ ba, 31/03/2020 09:47 (GMT+7)

Người dân vùng biên giới Ia Mơ mong sớm có nguồn nước tưới

Theo dõi KTMT trên

Người dân xã biên giới Ia Mơ (huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai) đang rất mong chờ nguồn nước tưới từ công trình đại thủy nông Ia Mơr.

Người dân vùng biên giới Ia Mơ mong sớm có nguồn nước tưới - Ảnh 1
Giai đoạn 2 của dự án thủy lợi Ia Mơ đang được gấp rút triển khai.

Ia Mơ là vùng đất xa xôi, vùng biên giới của huyện Chưprông (Gia Lai), đa số người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, chiếm gần 66%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp 1 vụ, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Do đó, để thay đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, người dân vùng biên giới đang rất mong chờ nguồn nước tưới từ công trình đại thủy nông Ia Mơr.

Hiện nay, gần 1.600 hecta diện tích cây trồng của xã biên giới Ia Mơ được canh tác chủ yếu dựa vào quy luật tự nhiên nên hiệu quả kinh tế thấp, chưa kể đến hạn hán mất mùa luôn rình rập ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.

Nếu nguồn nước tưới dồi dào từ hồ thủy lợi Ia Mơ sớm được khơi thông sẽ mở ra cơ hội giúp người dân nơi đây tổ chức thâm canh, luân canh, chuyên canh kết hợp, xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp có giá trị cao nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng quỹ đất, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới.

Ông Siu Đoàn ở làng Klă, xã Ia Mơ, cho biết gia đình ông có 1,2 hecta đất, tất cả đều sử dụng để trồng lúa 1 vụ nên cũng chỉ đủ ăn hàng ngày. “Trước đây bà con chỉ làm lúa được 1 vụ nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nay được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ thủy lợi, bà con rất mừng và mong sao thủy lợi xong sớm, có kênh mương dẫn nước để bà con trồng lúa 2 vụ, có thêm thu nhập để cuộc sống ấm no hơn”, ông Siu Đoàn chia sẻ.

Là hộ thuộc diện khó khăn, kinh tế gia đình ông Rơ Mah Thanh ở làng Nap, xã Ia Mơ chỉ trông ngóng vào vỏn vẹn 1 hecta lúa sản xuất 1 vụ. Nếu năm nào thời tiết hạn hán thì coi như mất trắng, cuộc sống gia đình rau cháo qua ngày.

“Rất mong hồ thủy lợi sớm được hoàn thành, có kênh mương dẫn nước, chúng tôi có thể trồng lúa 2 vụ. Có nước đảm bảo cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, thu nhập tăng thêm từ đó chất lượng cuộc sống của gia đình được ổn định hơn”, ông Rơ Mah Thanh mong muốn.

Người dân vùng biên giới Ia Mơ mong sớm có nguồn nước tưới - Ảnh 2
Giai đoạn 2 của dự án thủy lợi Ia Mơ đang được gấp rút triển khai.

Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr nằm trên địa bàn huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2005, với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng.

Dự án được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ 3 mục tiêu chính là đảm bảo an ninh quốc phòng trên vùng biên giới; di dân, tái định cư và tưới tiêu cho khoảng 14.000 hecta đất nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn bộ công trình đầu mối đã xong, hồ đã tích đủ lượng nước theo thiết kế, khoảng 180 triệu m3.

Dự án phân thành 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và Đập dâng Ia Lốp tưới cho gần 2.000 hecta đất nông nghiệp; Cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Ia Mơr chuẩn bị được bàn giao đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ cho biết: Công trình thủy lợi Ia Mơ có tầm quan trọng đặc biệt đối với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội cho bà con địa phương trên vùng biên giới xa xôi.

Để phát triển kinh tế, về lâu dài rất cần hồ thủy lợi để cấp nước tưới giúp phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển về nông nghiệp; trong đó, đa canh về cây trồng giúp nhân dân phát triển kinh tế bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội vùng biên giới.

Bà con nhân dân và chính quyền xã Ia Mơ đang rất mong chờ và kỳ vọng công trình thủy lợi Ia Mơ sớm hoàn thành để bà con chuyển đổi phương thức canh tác để phát triển kinh tế bền vững, lâu dài, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo để giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Người dân vùng biên giới Ia Mơ mong sớm có nguồn nước tưới - Ảnh 3
Một góc Hồ thủy lợi Ia Mơ nhìn từ trên cao.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơ, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 cho biết: Giai đoạn 1 dự án thủy lợi Ia Mơ đã cơ bản hoàn thành và hiện đang tích cực triển khai giai đoạn 2, gồm hệ thống kênh chính Đông và chính Tây. Theo kế hoạch vốn, hiện nay, Nhà nước đã bố trí đủ vốn để thi công hoàn thành hệ thống kênh này trong năm 2020.

Hiện nay, chúng tôi đã thi công được khoảng 50% khối lượng, 50% còn lại đang vướng về mặt bằng, cụ thể hơn 14 hecta tương đương với 5 km chiều dài kênh. Hiện địa phương đang tích cực hỗ trợ, tháo gỡ các hộ dân xâm canh, không đủ điều kiện để đền bù để giải phóng mặt bằng. Nếu việc bàn giao mặt bằng trong tháng 3 này thuận lợi thì đến cuối năm, chúng tôi sẽ đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ.

Là một trong hai công trình đại thủy nông của khu vực Tây nguyên, chỉ đứng sau công trình thủy lợi Ayun Hạ, sau khi hoàn thành và cung cấp nước tưới, thủy lợi Ia Mơ chắc chắn sẽ là nền tảng cơ bản tạo dựng diện mạo mới cho kinh tế nông nghiệp vùng biên giới Ia Mơ đầy nắng và gió. Những cánh đồng khô cằn ngày nay sẽ sớm được khoác lên mình bạt ngàn màu xanh tươi tốt của các loại cây trái, đời sống của người dân nơi đây sẽ dần được cải thiện.

Nguyền Hoài Nam

Bạn đang đọc bài viết Người dân vùng biên giới Ia Mơ mong sớm có nguồn nước tưới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới