Ngư dân phấn khởi được mùa ruốc biển
Mùa ruốc biển năm nay giúp ngư dân Thừa Thiên - Huế có thêm thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Từ sáng sớm, ngư dân và người mua bán ruốc tấp nập trên bãi biển. Những thúng ruốc được đưa đến sân phơi cho kịp nắng...
Làng biển Hải Dương (thị xã Hương Trà), biển Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang) nhộn nhịp từ sáng tinh mơ. Ngư dân ở đây cho biết địa điểm khai thác ruốc là vùng bãi ngang cách bờ 100m, kéo dài 2km. Mùa này, ruốc tụ lại từng đám, có lúc nổi dật dờ theo con sóng biển ven bờ, có lúc nằm dày đặc ngay bờ biển. Từng quầng ruốc biển rất lớn đang di chuyển men theo những mép sóng. Chúng bắn tanh tách trên mặt nước, tiếng rào rào như cơm sôi.
Người dân phấn khởi được mùa ruốc biển. |
Dân làng lũ lượt kéo nhau ra biển, trên tay của họ là những tay lưới dày được thiết kế để kéo ruốc. Mỗi tay lưới kéo dài hơn 20m, hai bên được cặp vào hai thanh tre dài để chống cho lưới căng, phía dưới là những cục chì lớn để ép lưới xuống sát đáy biển, sau cùng là một cái đụt rất dài là nơi ruốc kéo được sẽ đọng lại ở đó.
Tùy theo luồng ruốc đi trên biển, ngư dân sử dụng loại lưới khác nhau để đón ruốc. Sản phẩm đánh bắt được có tên thật phong phú. Ruốc bắt từ mành dã ở nước sâu 5-7 sải, gọi là ruốc dã. Ruốc đánh được từ việc kéo lưới bằng đi bộ ven bờ gọi là ruốc kéo, từ việc lặn xuống đáy biển dùng lưới nhỏ mà vớt gọi là ruốc lặn, từ loại vó ở ngoài khơi gọi là ruốc te…
Ruốc biển tươi vừa được đánh bắt. |
Một ngư dân đánh bắt ruốc tại biển xã Hải Dương (Thị xã Hương Trà) cho biết, trong các loại nghề lưới ruốc thì nghề đánh ruốc bãi ngang là khó nhất, bởi con ruốc nằm ở độ sâu 5-7m so với mặt nước biển nên rất khó phát hiện. Nhiều chủ nghề thường mời những người dù cao niên nhưng có kinh nghiệm nhìn “màu ruốc” cùng đi biển để giúp họ đánh bắt. Để cào ruốc, ngư dân dùng một chiếc thuyền máy gắn một lưới cào chạy dọc bờ biển. Khi nào người “hoa tiêu” đứng ở mũi thuyền phát hiện đàn ruốc thì ra hiệu lệnh cho những người còn lại hạ lưới xuống, người điều khiển máy rồ ga cho thuyền chạy nhanh. Chưa đầy 1 phút, lưới cào được kéo lên đầy ruốc tươi.
Rồi trên bãi biển đông như hội, cứ hai người một tay lưới, họ giăng ngang đi song song với nhau ở mực nước chỉ ngang ngực trở vào. Họ kéo tay lưới đi song song với mép sóng đón đàn ruốc bơi vào phía sau tay lưới và chui hết vào cái đụt bằng lưới dài ngoằng. Chỉ trong chốc lát, những cái đụt phía sau mỗi tay lưới đã đầy ắp những con ruốc biển đỏ au như huyết.
Ruốc tươi có giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. |
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, cho biết: “Biển được mùa ruốc khiến nhiều ngư dân rất phấn khởi vì có thu nhập đáng kể và thường xuyên. Theo các vị cao niên trong vùng, phải mấy chục năm trở lại đây mới thấy con ruốc xuất hiện nhiều như thế tại khu vực ven biển này. Hiện nay, mỗi gia đình trong xã đánh bắt ít nhất cũng được khoảng 1 tạ ruốc trong 1 ngày bằng phương pháp thủ công, đạt thu nhập tối thiểu 500.000 đồng. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ khai thác đạt từ 5 đến 8 tạ ruốc, thu về từ 2 - 3 triệu đồng mỗi ngày. Khi con ruốc biển xuất hiện cũng là lúc ngư dân nhận biết mùa đánh bắt cá nục, cá trích, mực cơm trên biển bắt đầu.
Năm nay, ruốc xuất hiện muộn hơn, nhưng giá bán lại cao nên ngư dân rất vui. Một ngư dân cho biết: “Khai thác thuận lợi nên ai nấy đều phấn khởi. Bình quân mỗi lần ra khơi khai thác được hơn 5 tạ/ngày, có chiếc khai thác được gần 1 tấn”.
Giá ruốc tươi do thương lái thu mua từ ngư dân có giá dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Con ruốc được thu mua chủ yếu để ướp mắm để tạo ra sản phẩm nước mắm ruốc đặc sản xứ Huế, hoặc loại mắm ruốc đặc sệt (gồm cả xác con ruốc tan vữa) tựa như mắm tôm ở ngoài Bắc, nhưng khác về mùi vị. Ngoài ra, con ruốc còn được phơi khô, bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg để làm nhiều món ăn như tôm, tép khô.
Trần Bốn