Thứ sáu, 22/11/2024 09:22 (GMT+7)
Thứ năm, 09/05/2024 11:49 (GMT+7)

Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon

Theo dõi KTMT trên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon tại cuộc họp về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ngày 8/5, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. 

Tại cuộc họp, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước (Điều 139) và được quy định chi tiết tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Báo cáo biết, hiện nay, Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn riêng để hình thành cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nội địa, tuy nhiên trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế, chủ yếu là các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (Cơ chế CDM). Thông qua các cơ chế, có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì thành lập thị trường carbon trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới. Lộ trình triển khai thị trường carbon trong nước chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027; giai đoạn vận hành chính thức từ năm sau 2028.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính; Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chất thải.

Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Báo Thanh tra)

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị Cục Biến đổi khí hậu bám sát Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lần lượt các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cuối cùng là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng thực hiện các nhiệm vụ để tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon, đảm bảo thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.

Với các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị của Bộ cần bám sát quan điểm phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi xây dựng chính sách. Đồng thời, thực hiện đúng các yêu cầu từ Chỉ thị số 13/CT-TTg để nghiên cứu, thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, quản lý các chương trình, dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon phục vụ triển khai thí điểm và phát triển thị trường carbon trong nước. Song song với đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, nội dung và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, để đẩy mạnh công tác truyền thông tới doanh nghiệp, địa phương và cả người dân để mọi người hiểu và nắm rõ về tình hình quản lý tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị chuyên môn, Viện nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường trao đổi, tham vấn với các chuyên gia, tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời xây dựng chính sách, trong đó có các quy định về tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trong và ra nước ngoài đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh việc xây dựng chính sách, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm bắt tay vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu của nội dung này để chủ động nắm bắt các cơ hội của thế giới, đóng góp chung vào việc chuyển đổi số của ngành, của quốc gia.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kỳ vọng, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương sẽ đóng góp chung vào việc thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Quản lý tín chỉ carbon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường thế giới. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.