Nghiên cứu thí điểm buýt mini ở TP.HCM
Buýt mini được đề xuất thí điểm ở TP.HCM nhằm tăng hiệu quả kết nối hành khách tại các tuyến đường nhỏ, hẹp.
Sau kiến nghị của TP.HCM cho sử dụng xe buýt mini nhằm phù hợp các đường nhỏ trên địa bàn, tăng tiếp cận người dân, Bộ GTVT đề nghị TP.HCM rà soát tính khả thi khi xe buýt từ 12 - 17 chỗ hoạt động trên địa bàn, từ đó báo cáo Thủ tướng xem xét cho thí điểm.
Trong đó, TP.HCM cần đánh giá hiệu quả của các tuyến xe buýt hiện có, bao gồm cả tuyến xe buýt dưới 17 chỗ đã thực hiện. Đồng thời, TP cũng cần nêu cụ thể thời gian thí điểm, số lượng xe, chi tiết lộ trình các tuyến buýt mini dự kiến và đảm bảo đúng tính chất chở khách từ đường hẹp ra đường rộng để kết nối mạng lưới xe buýt, metro...
Trường hợp Thủ tướng cho phép thí điểm buýt mini ở TP.HCM, Bộ GTVT đề nghị địa phương chỉ đạo các đơn vị tổng kết, đánh giá kết quả, báo cáo Chính phủ toàn bộ quá trình thực hiện.
Trước đó, hồi giữa năm 2020, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho thí điểm đề án tổ chức dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa nhỏ tích hợp ứng dụng công nghệ.
Phương tiện là ô tô dưới 17 chỗ, không có chỗ đứng, giá vé 30.000-40.000 đồng trong giờ cao điểm và 10.000-30.000 đồng giờ thấp điểm. Dự kiến, 6 tuyến xe buýt mini được thí điểm hoạt động giữa các khu đô thị mới, kết nối với trung tâm thành phố.
Hành khách sẽ cài phần mềm trên điện thoại di động để chọn giờ đi, đặt ghế ngồi và thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, thẻ ATM nội địa và ví điện tử). Xe buýt chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian cho lộ trình.
Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ GTVT bác với lý do không phù hợp quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020 của Chính phủ, Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ).
Sau đó, tháng 2/2021, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP.HCM được triển khai phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ từ 12 đến dưới 17 chỗ.
Theo UBND TP.HCM, trong tổng số 4.938 tuyến đường trên địa bàn thành phố, có tới khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7 m với chiều dài 2.544 km, tương đương 55,5% tuyến đường hiện nay.
Việc phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ nhằm mở rộng phạm vi phục vụ, đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt là phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, TP.HCM cần sử dụng đa dạng các chủng loại buýt, trong đó bắt buộc phải có xe buýt mini sức chứa từ 16 - 30 chỗ. Đây là phương tiện quan trọng vì TP có nhiều hẻm, đường nhỏ, xe buýt lớn đi vào sẽ gây tắc đường và lưu lượng khách không đủ để chạy nhiều tuyến. Xe buýt mini có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa rước học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro.
Minh Phương