Nghệ thuật Sen Việt 2023: Vẻ đẹp thuần khiết, biểu tượng cốt cách con người Việt Nam
Triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 – Vẻ đẹp thuần khiết" giúp con người phát huy tính hướng thiện, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường. Hoa sen trong lịch sử văn hóa dân tộc cũng đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam.
Mới đây, tại chùa Quán Sứ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức khai mạc Triển lãm “Nghệ thuật Sen Việt 2023 – Vẻ đẹp thuần khiết".
Triển lãm giới thiệu 75 bức tranh sen của họa sỹ Nguyễn Thị Kim Đức, với mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thông qua đây thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi ước vọng tương lai tốt đẹp.
Đây là sự kiện đầu tiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng UNESCO tổ chức với mục tiêu ươm mầm tài năng Việt. Qua hàng nghìn năm lịch sử, hoa sen đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Trong Phật giáo, sen là biểu tượng tâm linh tối thượng, thể hiện Phật tính vốn có trong mỗi con người.
Thấu hiểu những ý nghĩa biểu tượng cao đẹp ấy, họa sỹ Kim Đức đã sáng tạo và cho ra đời nhiều bức tranh đẹp về loài hoa này. 75 bức tranh sen của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức đã sử dụng chất liệu sơn dầu, có vài bức chất acrylic, màu nước trên giấy Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đặc biệt bức “Liên hoa tịnh cảnh” đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trưng bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX năm 2022.
Trong lời đề tựa cho tuyển tập tranh sen của họa sỹ Kim Đức, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết: “Đề cập đến sen là đề cập đến tất cả những nỗ lực, vươn lên của con người để kiến tạo hạnh phúc cho mình và tha nhân.”
“Trong một nhân duyên đặc biệt, hoạ sỹ Phật tử Kim Đức đã hết mực sáng tạo và cố gắng để cống hiến cho đời nhiều tác phẩm hội họa về sen. Tâm nguyện sáng trong đó đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện UNESCO tại Hà Nội đánh giá cao và cùng tổ chức triển lãm với mong muốn mang đến những cảm xúc tích cực, làm động lực giúp mỗi người thêm yêu cuộc sống, yêu con người, vượt qua mọi hoàn cảnh, lấy sức mạnh và yêu thương làm người bạn, người đồng hành thuần khiết, tô bồi bao ước vọng tương lai.”
Hoa sen là biểu tượng tâm linh tối thượng của Phật giáo. Hoa sen chỉ cho Phật tính vốn có trong mỗi con người, tâm thanh tịnh, sự thuần khiết. Hoa sen trong lịch sử văn hóa dân tộc cũng đã trở thành biểu tượng của tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam. Theo đó, sen trong các bức tranh của Kim Đức mang đậm hồn Việt nhưng cũng vô cùng tươi sáng, tràn đầy năng lượng và hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Triển lãm giới thiệu 75 tác phẩm về sen là minh chứng cho tinh thần và ý chí kiên cường của hoạ sĩ. Sen là hoa của trời, là biểu tượng của tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam. Với Phật giáo, sen là biểu tượng tâm linh tối thượng, thể hiện Phật tính vốn có trong mỗi con người. Đặc biệt, triển lãm nghệ thuật sen giúp con người phát huy tính hướng thiện, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, môi trường.
Thành Long