Thứ sáu, 22/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ hai, 17/10/2022 13:50 (GMT+7)

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm nay, một số nhà máy thuỷ điện trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) xảy ra tình trạng ứ đọng các loại rác thải như rác thải sinh hoạt, cây cối… trên lòng hồ với khối lượng lớn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường xung quanh.

Rác thải tràn ngập lòng hồ thuỷ điện

Sau đợt lũ lụt lớn vừa qua, trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (công suất 320MW – lớn nhất Nghệ An) lại tiếp tục xuất hiện một lượng rác lớn là cỏ, cây cối và nhiều loại rác thải sinh hoạt khác trôi từ thượng nguồn xuống, ứ đọng tại lòng hồ, phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay lượng rác này vẫn chưa được xử lý.

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện - Ảnh 1
Lượng lớn rác thải tại lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ, đoạn qua xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Ngoài rác thải, lũ còn cuốn theo nhiều cây gỗ lớn nhỏ đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến một số khu vực hồ thủy điện này như một bãi rác khổng lồ. Một số địa điểm tập trung nhiều rác nhất như đoạn hồ ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Theo ghi nhận của PV, vào những ngày giữa tháng 10/2022, hiện lượng rác thải đang ứ đọng ở lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ nhiều nhất ở khu vực bản Piếng Mựn. Rác ứ đọng kín chiều rộng một đoạn lòng hồ đập với chiều dài đến vài trăm mét. Ngoài ra, đứng ở phía trên cầu Piếng Mựn (cây cầu thuộc Quốc lộ 16 - PV) nhìn xuống 2 bên một nhánh hồ đập này cũng xuất hiện rất nhiều rác thải với đủ chủng loại…

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện - Ảnh 2
Rác thải án ngữ quanh năm ở lòng hồ thuỷ điện Khe Bố nhưng không được xử lý.

Việc rác thải sinh khối thực vật, xác gia súc, gia cầm và cá loại rác thải sinh hoạt… bị lũ cuốn trôi về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ không chỉ khiến cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong lưu thông mà còn gây ô nhiễm môi trường nước sông Cả khi lượng rác này ngâm nước lâu ngày và phân hủy.

Hiện tượng rác thải "tấn công" lòng hồ thuỷ điện không chỉ xảy ra tại thuỷ điện Bản Vẽ. Mấy năm gần đây, người dân xã Tam Đình, Tam Quang, huyện Tương Dương cũng nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về hiện tượng rác thải "bủa vây" lòng hồ thuỷ điện Khe Bố đóng trên địa bàn.

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện - Ảnh 3
Hình ảnh rác thải tràn ngập các lòng hồ thuỷ điện đã khá quen thuộc với người dân Tương Dương.

Một số ngưòi dân  sống ở đây cho biết, vào mùa mưa, lượng rác từ thượng lưu chảy về dạt vào bờ rất lớn. Nếu như trước đây, phần lớn rác thải này sẽ trôi theo dòng nước. Thế nhưng, từ khi Thủy điện Khe Bố được xây dựng, rác thải bị mắc kẹt lại. Một số bản như: Đình Hương, Đình Thắng, Đình Phong (xã Tam Đình) nằm cách Thủy điện Khe Bố không xa, bị chịu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân, rác lâu ngày không xử lý, phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Thấy nguồn nước không đảm bảo nên thời gian gần đây một số bà con trong bản không dám nuôi cá lồng bè vì lo ngại cá chết. Thậm chí, tình trạng ô nhiễm môi trường lòng hồ Khe Bố đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì người dân hay dùng nước này để sinh hoạt.

Để hạn chế rác trôi dạt vào bờ, người dân đã cùng nhau dựng lên hàng rào nổi bằng tre dọc bờ sông. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa bão, "lá chắn" này không có tác dụng.

Chủ đầu tư cần có trách nhiệm xử lý  

Theo UBND xã Tam Đình, tình trạng ô nhiễm môi trường lòng hồ thuỷ điện Khe Bố đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân sinh sống tại các bản Đình Hương, Đình Thắng, Đình Tiến, Đình Phong. Người dân có phản ánh, kiến nghị lên HĐND và UBND huyện nhưng đến nay qua các văn bản "qua lại" thì phía Nhà máy thuỷ điện Khe Bố vẫn "bình chân như vại".

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện - Ảnh 4
Rác thải sát thân đập thuỷ điện Khe Bố đã mọc cỏ do để quá lâu.

Đảm bảo môi trường lòng hồ là trách nhiệm của chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nên UBND huyện Tương Dương đã công văn gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An đề nghị các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn thu dọn, vệ sinh rác thải lòng hồ. Tuy nhiên, mới chỉ có nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ là có triển khai thực hiện nhưng chưa triệt để.

Được biết, ngày 4/9/2021, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 6513/UBND-CN yêu cầu các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện nghiêm túc, khẩn trương trai khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn Công văn số 854/UBND-NN ngày 20/02/2020 của UBND tỉnh về việc thu dọn rác lòng hồ thủy điện.

Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện - Ảnh 5
Cơ quan chức năng từ UBND huyện Tương Dương, Sở TN&MT, UBND tỉnh Nghệ An không ngừng thúc giục, yêu cầu các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn phải thực hiện vệ sinh lòng hồ.

Ngày 10/9/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An cũng có văn bản đề nghị nhà máy Thủy điện Khe Bố và một số nhà máy khác trên địa bàn huyện Tương Dương như Bản Ang, Xóong Con, Nậm Nơn phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng rác trôi nổi trong toàn bộ khu vực lòng hồ.

Liên quan đến vấn đề tồn đọng, ô nhiễm rác thải tại các lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ và Khe Bố, một lãnh đạo Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An cho biết, khi nắm được thông tin sẽ kiểm tra sự việc và yêu các các bên có trách nhiệm nhanh chóng xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Ô nhiễm môi trường từ rác thải sau lũ tại các nhà máy thuỷ điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.