Thứ bảy, 27/04/2024 00:11 (GMT+7)
    Thứ tư, 15/02/2023 08:34 (GMT+7)

    Nghệ An: Huyện biên giới Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao

    Theo dõi KTMT trên

    Theo Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 17/1/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Nghệ An đợt 2 của năm 2022, huyện Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao.

    Huyện Kỳ Sơn có diện tích khoảng 2.094,84 km2, là một trong số huyện của Nghệ An được xếp vào nhóm các huyện nghèo của cả nước. Là huyện vùng cao, Kỳ Sơn có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng với diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại động, thực vật phong phú và quý hiếm, có giá trị cao.

    Nhờ quỹ đất dồi dào, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp, tích cực thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi.  Ngoài một số cây lương thực truyền thống, huyện đã chủ động đưa nhiều loại cây ăn quả như mận, đào, xoài, mít, lê, hồng Nhật... và các loại cây công nghiệp như lạc, chè, đậu, vừng... vào trồng, dần hình thành một số vùng chuyên canh nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

    Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Kỳ Sơn cũng có những khó khăn riêng trong phát triển kinh tế. Cấu tạo bề mặt phức tạp, núi non chia cắt thành nhiều tiểu vùng khác nhau, với độ dốc lớn, trung bình 350m khiến cho phương tiện di chuyển khó khăn.

    Nghệ An: Huyện biên giới Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 1
    Người dân Kỳ Sơn thu hoạch chè San Tuyết.

    Những năm gần đây, người dân huyện Kỳ Sơn đã phấn đấu phát triển kinh tế thông qua việc đưa các sản phẩm truyền thống, đặc biệt của vùng ra thị trường ngoài huyện, tỉnh. Qua đó, đã đạt được những thành quả tích cực, năm 2020 sản phẩm gừng tươi Kỳ Sơn đã được gắn chỉ dẫn địa lý và công nhận OCOP 3 sao.

    Tháng 11 năm 2021, làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Loi, xã Na Loi được công nhận là làng nghề cấp tỉnh. Xã Na Loi có 6 bản, dệt thổ cẩm chủ yếu ở bản Na Loi với 78/88 hộ tham gia. Người dân Na Loi tự trồng dâu, nuôi tằm để lấy tơ dệt vải. Việc các sản phẩm thổ cẩm như váy, khăn... của người dân Na Loi được công nhận OCOP 3 sao đã tạo thêm động lực để bà con tích cực trau dồi tay nghề, đẩy nhanh tốc độ sản xuất đáp ứng yêu cầu sản phẩm và tiếp cận kinh doanh, thương mại giúp nâng cao thu nhập.

    Ở xã Mường Lống, gà đen là vật nuôi quen thuộc của đồng bào nơi đây. Hiện nay, người dân không chỉ chăn nuôi phục vụ nhu cầu gia đình mà còn biến vật nuôi này thành sản phẩm hàng hoá có chất lượng, thương hiệu.

    Nghệ An: Huyện biên giới Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 2
    Gà Đen Mường Lống (Kỳ Sơn) là loại gà có chất lượng thịt tốt.

    Mới đây, tại quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 17/1/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Nghệ An đợt 2 của năm 2022, huyện Kỳ Sơn đã có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao.

    Cụ thể, 6 sản phẩm được công nhận lần này gồm: Trà shan tuyết của Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất chè hữu cơ Huồi Tụ, đóng tại bản Huồi Lê, xã Huồi Tụ; bò giàng Hậu Quế của hộ kinh doanh Bùi Thị Quế, khối 5, thị trấn Mường Xén; tinh dầu gừng và bột gừng Kỳ Sơn của Hợp tác xã Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ; gà đen Mường Lống của Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống, xã Mường Lống; các sản phẩm từ sợi của Hợp tác xã Thổ cẩm Na Loi (chân váy, váy, khăn quàng, khăn trải bàn) đóng tại bản Na Loi, xã Na Loi.

    Nghệ An: Huyện biên giới Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 3
    Người dân dệt Sợi tại xã Na Loi (Kỳ Sơn).

    Hiện tại, cùng với sản phẩm gừng tươi đã được gắn chỉ dẫn địa lý và công nhận OCOP 3 sao năm 2020, thì nay Kỳ Sơn có 7 sản phẩm OCOP 3 sao, tạo thêm niềm vui, động lực cho người dân sản xuất, kinh doanh ở huyện miền núi, biên giới này. 

    Quang Trường

    Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Huyện biên giới Kỳ Sơn có thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới