Thứ năm, 19/09/2024 07:52 (GMT+7)
Thứ năm, 08/08/2024 10:16 (GMT+7)

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư

Theo dõi KTMT trên

Dòng nước thải trắng đục của xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) chảy men theo đường mương rồi ra cánh đồng lúa, nơi có hàng chục hộ dân đang canh tác khiến đất đai đồng ruộng bị cằn cỗi, gây bức xúc cho người dân.

Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản cho thấy các loại khoáng sản có giá trị kinh tế và tiềm năng như: Đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì - kẽm, sắt, đá quý, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng,... Trong đó, hoạt động khai thác, chế tác đá mỹ nghệ được xem là mũi nhọn, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch đồng bộ, nhiều xưởng đá mỹ nghệ được xây dựng trong, gần khu dân cư gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Gây nhiều bức xúc cho nhân dân

Đơn cử như trường hợp xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn có địa chỉ tại xóm 1 xã Xuân Sơn huyện Đô Lương (Nghệ An) mọc lên trong khu dân cư để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều người dân hết sức bức xúc. Theo phản ánh, hoạt động của xưởng đá này gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông và ngang nhiên xả thải nước thải ra cánh đồng khiến đất đai đồng ruộng bị cằn cỗi. Bởi tính chất vật lý của bột đá là chất thải rắn, trơ và không phân hủy. Khi bột đá theo dòng nước tràn ra ngoài sẽ bít các mạch trong đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây và năng suất lúa.

Video cận cảnh xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải ra ruộng lúa của người dân. Video: Tuấn Quỳnh

Trước thông tin phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường (PV) đã có mặt để mục sở thị và ghi nhận tình trạng xưởng đá xả thải gây ô nhiễm là hoàn toàn có cơ sở. Theo quan sát của chúng tôi, xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn nằm bên Quốc Lộ 15A (đoạn qua xóm 1 của xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương) gần nhà dân và các lô đất phân nền hiện chưa có hộ dân sinh sống. Bên trong, không có công nhân làm việc nhưng máy móc vẫn hoạt động, tiếng kêu inh ỏi cả một vùng. Phía sau xưởng đá, dòng nước thải đục ngầu xuất phát từ bể chứa sơ sài rồi men theo đường mương nhỏ chảy thẳng ra cánh đồng, nơi mà hàng chục hộ dân nơi đây đang trồng lúa.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 1
Xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn nằm trong khu dân cư. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Một người dân sống gần xưởng đá cho biết, từ khi xưởng đá hoạt động kéo theo nhiều ô nhiễm, bức xúc của người dân khi tiếng ồn từ máy cắt xẻ hoạt động liên tục. Họ dùng công nghệ gì đó, không cần người đứng làm việc mà vẫn hoạt động được cả ngày lẫn đêm. Thời gian dài nghe tiếng ồn của máy cắt đá “đinh tai nhức óc” khiến người dân sống xung quanh khu vực này không chịu nổi. Bên cạnh đó, họ còn phải hứng chịu bụi đá lơ lửng trong không khí, độc hại kinh khủng. Ngoài ra, có một số hộ dân khác, sau khi trúng đấu giá đất ở đây nhưng không dám làm nhà để ở cũng chỉ vì cái xưởng máy cắt đá của hộ kinh doanh Chín Sơn này mọc lên, bán không được mà ở cũng không xong.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 2
Nước thải đục ngầu của xưởng đá, theo con mương nhỏ chảy thẳng ra cánh đồng lúa. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Liên quan đến sự việc này, tháng 12/2023 UBND huyện Đô Lương lại có văn bản số 658/ UBND.TN về việc giải quyết đơn thư phản ánh về ô nhiễm môi trường tại hộ kinh doanh Chín Sơn gửi sở Xây Dựng, sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Nghệ An và người dân phản ánh. Trong văn bản nêu rõ, chủ kinh doanh đã vi phạm “Sử dụng trái phép đất của đường bộ làm nơi tập kết hàng hóa, vật tư quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 12” Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 3
Lối sau vào xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn chất đầy đá. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Về mức độ ô nhiễm, qua quá trình kiểm tra, kết quả phân tích số KQ 317.KN PTN2023 ngày 07/12/2023 của Công ty cổ phần nước và môi trường Trường Sơn thể hiện: Các chỉ số bụi (TSP) đo được là 290 µg/m3, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT về không khí môi trường xung quanh quy định giới hạn tối đa cho phép đối với bụi đo trong 01 giờ là 300µg/m3. Bên cạnh đó, chỉ số tiếng ồn đo được là 69,8 dBA, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 26:2010/BTNMT quy định tiếng ồn giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn khu vực thông thường từ 6h-21h là 70dBA. Như vậy có thể thấy, các chỉ số về tiếng ồn và bụi tại cơ sở này theo cơ quan chức năng đều đạt chuẩn.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 4
Nước thải từ xưởng đá Chín Sơn đục ngầu chảy ra mương nước. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Mặt khác, cũng trong văn bản số 658 của UBND huyện Đô Lương cũng có đề cập nội dung: Thực hiện Công văn số 8080/STNMT -TTR ngày 13/11/2023 của sở TNMT về việc chuyển đơn của công dân Trần Bá Nhật (trú tại Nam Đàn) và một số công dân có đất tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương phản ánh doanh nghiệp Chín Sơn (do ông Hoàng Văn Chín làm chủ) hoạt động xưởng cắt đá, gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải, tự dựng lên các mái che bằng tôn căng ngang đường dân sinh, tập kết nguyên vật liệu đá nằm lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông, làm cản trở hoạt động giao thông trên Quốc lộ 15A. Tuy nhiên, vấn đề nước thải xưởng đá này có dấu hiệu ô nhiễm như người dân phản ánh, trong phiếu kết quả phân tích ngày 07/12/2023, lại chưa được cơ quan chức năng đề cập đến?.

Hệ lụy dân gánh chịu

Hiện tại, nhiều ha lúa của người dân xóm 1 đang phải nhận những dòng nước đục ngầu chảy thẳng vào ruộng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau. Ông Nguyễn Văn B. (xin phép được dấu tên) trú tại xóm 1 chỉ tay về phía phía ruộng lúa của mình, bức xúc: “Nếu tình trạng xả nước thải ô nhiễm này không được xử lý dứt điểm thì không biết chúng tôi có còn trồng lúa được nữa hay không. Họ xả thải bất chấp ngày đêm, nước thải theo dòng nước của kênh thủy lợi khiến nhiều ha lúa của người dân bị ảnh hưởng. Sự việc đã kéo dài nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm. Nước thải mà có cả bột đá này chảy vào ruộng lúa thì cải tạo kiểu gì khi đất đã cằn cỗi, hệ lụy chỉ có dân gánh mà thôi".

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 5
Nhiều ha lúa của các hộ dân xóm 1 xã Xuân Sơn, đang lấy nguồn nước bẩn từ con kênh này.Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trước đó, theo tài liệu của UBND huyện Đô Lương cung cấp, tại văn bản số 597/ UBND.TN ngày 27/12/2022 về việc giải quyết đơn thư phản ánh về ô nhiễm môi trường tại hộ kinh doanh Chín Sơn, xã Xuân Sơn huyện Đô Lương gửi sở TNMT cho thấy, cơ sở này được xây dựng trên thửa đất số 1329, 1352, 1348 tờ bản đồ số 5, xã Xuân Sơn, được UBND huyện Đô Lương cấp cho ông Hoàng Văn Chín tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang mã số DB 707411, DB 707412, DB707555.

Tại văn bản này nêu rõ: Căn cứ quy định tại Điều 49, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, hộ kinh doanh Chín Sơn thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký môi trường qua đó kê khai và cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Đề nghị UBND xã Xuân Sơn căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận đăng ký môi trường và giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của hộ kinh doanh Chín Sơn đã đăng ký kinh doanh trong quá trình kinh doanh sản xuất.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 6
Nguồn nước này liệu có đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (huyện Đô Lương) cho biết: “Trong thời gian vừa qua, khi có phản ánh của người dân, sở TNMT đã về kiểm tra tiếng ồn, bụi bặm, khi đó họ không gửi kết quả về địa phương nhưng nghe nói 2 chỉ số đó đều đạt. Về vấn đề nước thải thì đúng là xưởng có xả thải ra môi trường. Nguyên tắc là họ phải có hồ chứa nhưng họ lại xả theo con mương, cuối cùng nước tràn về thì chảy đi luôn. Hiện tại, người dân chưa phản ánh tình trạng xả thải ra gây ảnh hưởng tới đồng ruộng. Vì ở đó có cái mương, khi vào mùa vụ sản xuất thì 20 ngày nước sông về một lượt. Nước sông tràn về cuốn nước thải đi theo nên người dân không phản ánh".

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 7
Bể chứa nước thải sơ sài của xưởng đá. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Khi nhận được các hình ảnh, video dẫn chứng xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải từ PV thì ông Thu cho rằng: "Vừa rồi nước sông về nên nước thải nó trôi đi hết. Cái này nó chảy về Minh Sơn, Xuân Sơn rồi rải vào trong ruộng nên giờ không thấy gì cả. Chỗ xả thải gần mương, nếu để một chỗ thì chất thải đã chất cao thành cồn rồi”.

Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư - Ảnh 8
Đất ruộng của người dân đã có dấu hiệu bạc màu, cây lúa sinh trưởng kém. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Về vấn đề này, ông Trần Văn Tình – Giám đốc Công ty CP Envico (một công ty chuyên về lĩnh vực tư vấn môi trường) cho biết: "Đây là cơ sở có phát sinh nước thải, bụi và tiếng ồn trong quá trình sản xuất. Nước thải phát sinh trong quá trình cắt, xẻ, CNC đá nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường thì sẽ có nguy cơ vượt quy chuẩn môi trường. Đặc biệt là các chỉ tiêu như: Độ đục, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng oxy hoà tan trong nước (DO),….gây tác động xấu đến thuỷ vực tiếp nhận, làm bạc màu đất xung quanh vị trí xả thải". 

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được quy định như sau: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường; Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về bảo vệ môi trường.

Tuấn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Hệ lụy ô nhiễm môi trường từ hoạt động cưa, xẻ đá trong khu dân cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới