Nghệ An: Độc đáo mô hình "Ngôi nhà xanh - Biến rác thải tái chế thành hoạt động có ý nghĩa"
Mô hình “Ngôi nhà xanh – Biến rác thải tái chế thành hoạt động có ý nghĩa” là ý tưởng sáng tạo được Hội liên hiệp phụ nữ xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên triển khai, góp phần bảo vệ môi trường, vừa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống
Với mong muốn bảo vệ môi trường sống vừa hỗ trợ hộ hội viên phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, ngày 6/3, Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã chủ động xây dựng, chỉ đạo các chi Hội triển khai xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh - Biến tái chế thành hoạt động có ý nghĩa”. Đây là một trong những hoạt động nổi bật, mang lại giá trị “kép” bước đầu được đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ, các tầng lớp nhân đân hưởng ứng nhiệt tình với sứ mệnh lan tỏa lối “sống xanh”.
Mô hình “Ngôi nhà xanh” được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, bọc lưới xung quanh, được đặt tại địa điểm công cộng để tiện cho người dân bỏ phế liệu. Chỉ với hành động nhỏ thu gom vỏ chai nhựa, vỏ lon vào "ngôi nhà xanh", nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, vừa hình thành thói quen tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân.
Theo đó, cứ vào dịp cuối tuần, các gia đình đều gom rác tái chế như: Chai, lon, bìa cát tông, sắt vụn, các loại nhựa… để cuối tháng để đóng góp cho “ngôi nhà xanh”. Sau khi ngôi nhà đã đầy, rác thải được chị em tiến hành phân loại, thu gom và bán để gây quỹ. Nhận thấy được sự ý nghĩa thiết thực, người dân trong xã từ người trẻ đến già đều hết sức đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia thu gom từng vỏ lon bia, tấm giấy vụn để ủng hộ mô hình này.
Chị Nguyễn Thị Thảo - Hội viên chi hội 4 cho biết: “Từ khi được Hội phụ nữ xã tuyên truyền về mô hình “Ngôi nhà xanh” cứ mỗi lần đi làm về, đi dọc đường, thấy vỏ lon, cái chai nào vứt trên đường chị đều dừng xe cúi nhặt, cho vào túi ni-lông gom góp để góp vào mô hình của chi hội”.
Mỗi bao rác tái chế, phế liệu của chị em mang đến “Ngôi nhà xanh” của Chi hội phụ nữ đều mang một ý nghĩa lớn, đó là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; mong rằng cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp tục hành động để bảo vệ môi trường góp phần cùng Hội Phụ nữ và UBND xã thực hiện thành công Đề án “Thu gom, phân loại xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2022-2025 và tính đến năm 2030” trên địa bàn xã Hưng Đạo”.
Không chỉ gây quỹ cho hoạt động hội, mô hình này còn góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức cho tất cả người dân trong nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, tạo thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình. Chỉ với hành động nhỏ bỏ vỏ chai nhựa, vỏ lon vào "ngôi nhà xanh", nhưng lại có ý nghĩa lớn, vừa hình thành thói quen tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân.
Trước đó, cũng tại xã Hưng Đạo phong trào “Biến rác thải thành con giống” cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương. Qua mô hình này, Hội phụ nữ xã đã trao nhiều đợt con giống cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn của chị em nói chung, người dân nói riêng.
Chị Nguyễn Thị Phượng - Chi hội trưởng chi hội 4, xã Hưng Đạo cho biết: “ Nhận thức sâu sắc về tác hại của rác thải đối với môi trường, thời gian qua, chi hội phụ nữ 4 đã tích cực vận động hội viên xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” để gây quỹ. Đây là sáng kiến hay được chị em hội viên đồng tình hưởng ứng, với mong muốn giữ gìn bảo vệ môi trường và gây quỹ giúp hội viên yếu thế, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… vươn lên trong cuộc sống”.
Phong trào thu gom rác thải bán để lấy nguồn kinh phí tặng con giống và mô hình “Ngôi nhà xanh” của Hội LHPN xã Hưng Đạo là cách làm hay, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa góp phần xây dựng quỹ để trao tặng các suất quà có ý nghĩa cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, cuộc sống mới.
Tuấn Quỳnh