Nghệ An: Đào phai Kim Thành được giá vụ Tết
Những ngày cuối năm, thủ phủ đào phai tại xã Kim Thành, Yên Thành (Nghệ An) mọi người từ khắp các nơi đổ về tìm mua đào phục vụ nhu cầu chơi Tết, người dân trồng đào vui mừng vì được giá.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, từ trước đến nay người dân xã Kim Thành đã đưa giống đào phai bản địa vào trồng theo hướng hàng hóa trong vườn nhà, vườn đồng và trở thành nghề truyền thống. Đây là giống đào có nhiều thế đẹp, cánh hoa dày, hồng mịn, từ lâu đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến chiêm ngưỡng và mua về trưng bày trong nhà vào dịp Tết.Năm 2022, xã Kim Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề trồng đào phai.
Những ngày cuối năm, làng trồng đào phai tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành nhộn nhịp người từ khắp nơi đổ về các vườn để thu mua đào đưa đi các vùng bán phục vụ cho mọi người chơi Tết.
Một hộ dân ở xóm Đồng Bản, xã Kim Thành gắn bó với nghề trồng đào phai suốt hàng chục năm qua cho biết chia sẻ, hiện tại, vườn đào của gia đình có khoảng trên 1.000 cây, trong đó năm nay sẽ xuất bán gần 700 cây. Hầu hết vườn đào được trồng và bán theo kiểu cuốn chiếu, sau mỗi vụ Tết, những cây đào đã bán sẽ được thay thế bằng lứa cây mới để chuẩn bị cho các mùa sau.
Hàng năm, gần dịp Tết Nguyên đán, thương lái thường đến tận vườn thu mua, hoặc gia đình tự chở đào đến các chợ để bán cho khách. Năm nay đào được giá, cây đẹp từ 1-2 triệu đồng, cây nhỏ 500.000-800.000 ngàn đồng. Từ ngày 20 đến ngày 26 âm lịch, vườn đào đã bán được trên 500 gốc đào, dự kiến doanh thu đạt trên 350 triệu đồng.
Cây đào phai từ khi ươm mầm đến lúc xuất bán thường mất khoảng 2-3 năm. Để có được những cây đào đẹp, người trồng phải chăm sóc cây tỉ mỉ, phải biết kỹ thuật để tạo thế đáp ứng nhu cầu cho khách hàng, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài bán cây đào một số hộ dân ở xã Kim Thành còn cung cấp dịch vụ cho thuê đào nguyên cây. Giá cho thuê dao động tùy thuộc vào dáng thế của cây, trung bình từ 3 - 5 triệu đồng/cây.
Ông Phan Tất Mậu - Chủ tịch UBND xã Kim Thành cho biết, nghề trồng đào Tết ở xã Kim Thành có từ hàng chục năm qua, đến nay đã trở thành một nghề truyền thống của địa phương. Toàn xã hiện có trên 200 hộ đầu tư trồng đào, với tổng diện tích khoảng gần 26 ha. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng các loại cây khác như keo, sắn, hoặc tận dụng đất vườn nhà để cải tạo trồng đào, góp phần nâng cao thu nhập.
Năm nay đào được giá, tính đến thời điểm này toàn xã đã bán được trên 70% diện tích, dự kiến mang về nguồn thu trên 3,5 tỷ đồng. Nhiều hộ dân tại xã Kim Thành có thu nhập từ 200-300 trăm triệu đồng mỗi vụ đào Tết góp phần cải thiện cuộc sống, làm giàu ngay tại địa phương.
Nguyễn Công