Thứ sáu, 10/01/2025 03:52 (GMT+7)
Thứ năm, 09/01/2025 16:30 (GMT+7)

Nghệ An: Chủ động giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nghệ An vừa có Công văn số 11682/UBND-NN giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025.

Theo Công văn số 9725/BNN-TL, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Nghệ An: Chủ động giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Cụ thể, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025; Tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đồng thời, thực hiện kiểm kê cụ thể nguồn nước trước các vụ sản xuất và thường xuyên cập nhật, tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô trên cơ sở kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,…) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2024-2025.

Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các địa phương xác định, khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước nông thôn tập trung; chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch ứng phó, khuyến cáo, thông tin đến người dân kế hoạch cấp nước để chủ động trữ nước đảm bảo sinh hoạt; chỉ đạo chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã, thôn, bản tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân khu vực chưa được cấp nước tập trung chủ động thu, trữ nước sớm, xử lý nước đảm bảo an toàn cho sinh hoạt.

Khi có nguy cơ xảy ra thiếu nước, tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, trữ nước phục vụ sinh hoạt. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt trong ao, hồ, kênh rạch, lu, bể,… và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước bảo đảm đủ cho nhu cầu sinh hoạt và cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. Thường xuyên cung cấp thông tin qua các phương thức truyền thông phù hợp về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Chủ động giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam xảy ra 482 trận động đất trong năm 2024
Năm 2024 đã xảy ra 482 trận động đất, trong đó có hơn 440 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Thọ, Hà Nội...
Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu
Mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã đưa ra kết quả nghiên cứu rằng trong năm 2024, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đã làm thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu tăng thêm trung bình 41 ngày.

Tin mới