Thứ năm, 28/03/2024 20:52 (GMT+7)
Thứ năm, 17/06/2021 17:02 (GMT+7)

Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán năm 2021: ‘Lưu trữ và phục hồi đất’

Theo dõi KTMT trên

Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2021 với chủ đề “Lưu trữ và phục hồi đất” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề sa mạc hóa và hạn hán, tập trung vào các giải pháp để cải tạo đất bạc màu thành đất tốt.

Những năm qua, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đã cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên Trái Đất, với nhiều vùng trở nên khô hơn, chịu hạn hán thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta".

Hiện nay, 1/5 diện tích đất trên toàn cầu, tương đương hơn 2 tỉ ha đất bị suy thoái, bao gồm hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp. Nếu con người không thay đổi cách quản lý đất, hơn 90% có thể bị thoái hóa vào năm 2050. Suy thoái đất tác động tiêu cực đến 1/5 diện tích đất trên hành tinh và sinh kế của 3,2 tỉ người, tương đương với 40% dân số toàn cầu.

Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán năm 2021: ‘Lưu trữ và phục hồi đất’ - Ảnh 1
Chủ đề của Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán 2021: Lưu trữ và phục hồi đất.

Tuy nhiên, cũng có tín hiệu khả quan khi Ban thư ký Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc (UNCCD) chỉ ra, khoảng 1 tỉ ha đất vẫn có thể được phục hồi trong vòng 10 năm tới để đảo ngược quá trình suy thoái này.

Do đó, ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6) được Ban thư ký UNCCD đặt trọng tâm vào việc cải tạo, phục hồi đất bị suy thoái. Phục hồi diện tích đất kém chất lượng mang lại khả năng phục hồi kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và tăng an ninh lương thực. Đồng thời, đây cũng là động lực cho việc phục hồi lại đa dạng sinh học, giúp ngăn chặn lượng carbon trong khí quyển làm Trái đất nóng lên, làm chậm sự biến đổi khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu và củng cố quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Trên thực tế, UNCCD cảnh báo, thoái hóa đất sẽ khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 23.000 tỉ USD vào năm 2050 nếu như tình trạng sử dụng vẫn diễn ra như hiện nay. Vì vậy, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta áp dụng những biện pháp khẩn cấp để chặn đứng khuynh hướng đi xuống của đất trồng thì thiệt hại sẽ giảm còn khoảng 4.600 tỉ USD.

Phòng tránh, làm chậm lại và đảo ngược việc mất đất sản xuất và các hệ sinh thái tự nhiên là rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay để có một khoảng phục hồi nhanh chóng từ đại dịch, đồng thời là tấm vé đảm bảo sự sinh tồn lâu dài của loài người và hành tinh.

Hiệu quả từ cuộc chống sa mạc hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn từ việc chống sa mạc hóa. Từ “đáy” về tỉ lệ che phủ rừng vào năm 1993 (27,8%), đến nay chúng ta đã có tỉ lệ che phủ rừng lên đến 42%, trong khi trung bình của thế giới là 31%.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngành lâm nghiệp tiếp tục có những chiến lược, chương trình và kế hoạch để nâng cao chất lượng của rừng cây che phủ, tạo lập một hệ sinh khối xanh trên mặt đất thông qua bảo vệ rừng tự nhiên (10,3 triệu ha) và trồng rừng gỗ lớn (hiện có 300.000 ha, cần đạt khoảng 1 triệu ha vào năm 2030). Thực hiện được điều này không những phát huy chức năng bảo tồn nhiên nhiên, duy trì và nâng cao độ phì của đất, mà còn cung cấp nguyên liệu cho chế biến và thương mại lâm sản, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Thực tế, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp mang tính chiến lược để bảo vệ đất và phát triển rừng, hướng tới nền canh tác nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, việc phủ xanh đúng kỹ thuật các diện tích đất trống có thể có khả năng đảo ngược quá trình suy thoái đất. Có thể thấy, sau quá trình tìm tòi và nỗ lực bền bỉ, canh tác trên những vùng đất khô hạn, có dấu hiệu suy thoái, những sản vật như thanh long, nho, tỏi, mắc ca hay thậm chí những cây thân gỗ như xoan chịu hạn đã mang lại thu nhập kinh tế cho người dân. Không chỉ vậy, nhiều vùng cát ở duyên hải miền Trung như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dần hồi sinh, chuyển từ trạng thái "cát" sang "đất" với màu xanh bạt ngàn của rừng phi lao, keo lá liềm ven biển”.

Đặc biệt, theo kế hoạch trong tới đây, Ngân hàng thế giới sẽ giải ngân số tiền 51,5 triệu USD đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ Carbon rừng - số tiền thu được từ các nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống suy thoái đất ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Như vậy, trên bước đường phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được mục tiêu “kép” là chống suy thoái đất và đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.

Việt Nam có gần 8 triệu ha đất hoang mạc hóa

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Tình trạng sa mạc hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng đến mức báo động. Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này. Quá trình sa mạc hóa tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân.

Trong đó, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến mỗi năm chúng ta mất trên 100.000 ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh đồng bằng. Do đó, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới - đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và hạn hán năm 2021: ‘Lưu trữ và phục hồi đất’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.