Thứ bảy, 23/11/2024 04:21 (GMT+7)
Chủ nhật, 14/03/2021 09:26 (GMT+7)

Ngày Quốc tế các dòng sông: Hành động ‘xanh’ cho mạch nguồn chảy mãi

Theo dõi KTMT trên

Ngăn chặn hành động “ngược đãi” các dòng sông, hợp tác xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước trên các dòng sông là những vấn đề cần phải ưu tiên để cho mạch nguồn chảy mãi.

Ra đời cách đây hơn 2 thập kỷ, Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông (14/3) là dịp để các quốc gia trên thế giới cùng cất chung tiếng nói chống lại các dự án phát triển dưới nước mang tính phá hủy, đòi lại sức khỏe, yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông - mạch sống của các hệ sinh thái.

Tại Việt Nam - đất nước được "dệt thêu" bởi hơn 2.360 con sông đã tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, đóng góp quan trọng cho sự sống và phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau nhiều năm “đánh đổi môi trường lấy kinh tế,” chất lượng nước mặt của các con sông, đặc biệt là ở các vùng công nghiệp đã bị suy thoái nghiêm trọng và có tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh…

Ngày Quốc tế các dòng sông: Hành động ‘xanh’ cho mạch nguồn chảy mãi - Ảnh 1
Ảnh minh họa. 

Chưa kể, hầu hết các lưu vực sông ở nước ta đều có liên quốc gia với Trung Quốc, Lào hoặc Campuchia, nhất là nằm ở phần hạ lưu các sông nơi thường chịu nhiều tác động của các hoạt động phát triển từ thượng nguồn. Do đó, ngăn chặn hành động “ngược đãi” các dòng sông, hợp tác xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước là những vấn đề cần phải ưu tiên để cho mạch nguồn chảy mãi.

Nhận diện môi trường các dòng sông

Với 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam hiện có hơn 100 lưu vực sông, với 3.450 sông, suối. Tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỉ m3.

Thế nhưng, sau một thời gian dài phát triển “nâu” theo hướng “đánh đổi môi trường lấy kinh tế,” chất lượng nước mặt của các sông, ngồi, kênh, rạch, đặc biệt là ở các vùng đô thị và vùng công nghiệp cũng bị suy thoái tới mức “báo động đỏ” và có tác động nguy hiểm đối với đời sống con người cũng như sinh vật thủy sinh.

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, làng nghề…, không qua xử lý đã tàn phá nghiêm trọng môi sinh, ảnh hướng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của dòng sông.

Chưa kể, đô thị hóa nhanh và thiếu tầm quy hoạch cũng đã khiến việc xử lý rác thải, nước thải vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong khi đó, nhiều sông không có nguồn nước bổ sung, bị xâm lấn khiến dòng chảy chậm và không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày đã dẫn đến ô nhiễm cả nước mặt và nguồn nước ngầm.

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2006 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 7 chương trình quan trắc môi trường nước các Lưu vực sông như: Sông Nhuệ- Đáy; Sông Cầu; Sông Đồng Nai-Sài Gòn; Sông Mã-Chu; Sông Hồng-Thái Bình; Sông Vu Gia-Thu Bồn (3 đợt) và nước các sông vùng Tây Nam Bộ. Nhờ đó, các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra số liệu đánh giá và các giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng nước; hướng tới mô hình phát triển mới - chuyển từ "nâu" sang “xanh” và bền vững hơn.

Mặc dù vậy, thực tế hiện nay cho thấy tại nhiều lưu vực sông trên cả nước hiện vẫn đang đứng trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như ô nhiễm sông Nhuệ, sông Tô Lịch trong nội thành Hà Nội; Sông Ngũ Huyện Khê tại Bắc Ninh; Sông Bắc Hưng Hải ở Hưng Yên; Hệ thống các kênh rạch chảy qua quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Thậm chí, có những khu vực đã được cải tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm nhưng sau một thời gian lại tái hiện tình trạng ô nhiễm như kênh Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ-Bến Nghé…

Kết quả quan trắc tại các lưu vực sông khu vực phía Bắc của Tổng cục Môi trường công bố năm 2020 cũng cho thấy chất lượng môi trường nước mặt đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng (chiếm 8,1%). Riêng các “điểm nóng” về môi trường nước trên lưu vực sông Cầu (điểm Cầu Đào Xá trên sông Ngũ Huyện Khê và điểm Cầu Bóng Tối trên suối Bóng Tối), ô nhiễm hữu cơ và các hợp chất chứa nitơ vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Tại lưu vực sông Nhuệ-Đáy (một trong những lưu vực sông có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các lưu vực sông khu vực phía Bắc), có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI dưới 50 ở mức xấu đến rất xấu. Trong số đó, 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI dưới 25, nước bị ô nhiễm nặng.

Không chỉ bị ô nhiễm, nhiều lưu vực sông trên cả nước còn bị ảnh hưởng bới các hoạt động phát triển thủy điện bất chấp mọi quy luật vận hành của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế, khiến nhiều đoạn sông cạn trơ đáy, người dân ở hạ du thiếu nước sản xuất và gây gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới sinh kế.

Ngày Quốc tế các dòng sông: Hành động ‘xanh’ cho mạch nguồn chảy mãi - Ảnh 2
Hoạt động khai thác cát trên sông Lô đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+).

Chưa kể suốt thời gian dài, hàng trăm con tàu suốt ngày đêm dùng vòi rồng sục sạo, ngụp lặn khoét sâu, nắn dòng đến cạn kiệt, nuốt trôi bờ xôi ruộng mật. Cứ thế, nhiều đoạn sông vốn đầy ắp phù sa đã bị cuốn trôi, bị xâm lấn, phải nhường chỗ cho muôn màu chất thải.

Hồi sinh sông cho “mạch nguồn” chảy mãi

Theo quan điểm của giới chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã có nhiều quyết sách lớn để bảo vệ các dòng sông, song việc phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan trong khai thác sử dụng và bảo vệ môi trường nước lưu vực sông vẫn còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường nước.

Mặc dù các tổ chức lưu vực sông hoạt động nhiều năm nhưng chưa thể hiện được vai trò trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng…

Minh chứng là, trên cùng một dòng sông hiện đang có tới 4 bộ, ngành giữ vai trò quản lý. Dù hệ thống văn bản chính sách đã quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành trong việc quản lý, tuy nhiên vấn đề là Việt Nam đang thiếu một tổ chức có quyền hạn và trách nhiệm thực sự để điều tiết các vấn đề trên lên vực sông.

Nhìn nhận thực tế trên, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, cho rằng về quản lý tổng hợp lưu vực sông phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý địa giới hành chính và quản lý tổng hợp lưu vực sông. Vì thế, để giải quyết bài toán bảo vệ lưu vực sông hiện nay, cần phải có một Ban Quản lý hoặc cơ quan quản lý chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động về khai thác sử dụng nước cũng như phòng chống những thiệt hại do nước gây ra.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong những năm qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ý thức của người dân đã được nâng lên. Nhiều dự án, công trình liên quan đến bảo vệ môi trường đã được đầu tư, đặc biệt là các dự án về nạo vét, kè sông Nhuệ... Dù đạt được nhiều kết quả song vẫn chưa đạt được yêu cầu, môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Để đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống nguy cơ ô nhiễm trong thời gian tới, ông Châu Trần Vĩnh-Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Cục sẽ phối hợp cùng các đơn vị điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt trên các lưu vực sông lớn; Công bố môi trường nước không còn khả năng chịu tải theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng sẽ lập kế hoạch xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt đối với các khu vực nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay trên các lưu vực sông theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông được thông qua bởi những người tham gia Hội nghị Quốc tế đầu tiền về Con người bị ảnh hưởng bởi các con đập, vào tháng Ba năm 1997 tại Curitiba, Brazil.

Các đại diện từ 20 quốc gia đã quyết định rằng Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông diễn ra vào ngày 14/3 - Ngày Brazil hành động chống lại các con đập lớn.

Hùng Võ-Hùng Nguyễn (Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Ngày Quốc tế các dòng sông: Hành động ‘xanh’ cho mạch nguồn chảy mãi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới