Ngày Nước Thế giới năm 2021: 'Nước và tôi'
Ngày Nước Thế giới được tổ chức vào ngày 22/3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước trong việc bảo vệ sức khỏe của con người và duy trì các hệ sinh thái trên hành tinh.
Hiện trên thế giới còn 2,2 tỉ người đang sống trong tình trạng không được tiếp cận với nước an toàn, khan hiếm nước. Cùng với việc tiếp cận về điều kiện vệ sinh, tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng - điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Do vậy, các quốc gia cần phải có những hành động mang tính toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững 6: “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.
Ngày Nước Thế giới năm 2021 với chủ đề "Nước và tôi", nhấn mạnh về giá trị của nước, nâng cao vị thế giá trị mà nước mang lại cho cuộc sống, sức khỏe và môi sinh. Chủ đề này còn bao gồm các giá trị về môi trường, xã hội và văn hóa mà con người đặt ra đối với nước.
Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới năm 2021, Ban Tổ chức sự kiện cũng đã kêu gọi và phát động mỗi người trên thế giới cùng tham gia 7 ngày chạy hoặc đi bộ từ ngày 16-23/3/2021. Ban Tổ chức muốn cho thế giới thấy rằng cần sự thống nhất trong việc xác định các giá trị của nước và những lý do tại sao cần tôn trọng những giá trị đó, đồng thời cùng nhau mang đến những cơ hội tìm hiểu về nước như một nguồn tài nguyên hữu hạn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí. Các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững… Trước tình hình đó, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và toàn cầu.
Theo báo cáo nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, trong những năm tới, căng thẳng nước sẽ tác động lớn tới quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nguồn tài nguyên thiên nhiên trừ khi áp dụng ngay các hành động can thiệp. Nhu cầu gia tăng sẽ khiến 11 trong số 16 lưu vực sông lớn ở Việt Nam phải đối mặt với căng thẳng về nước vào năm 2030. Tình trạng căng thẳng về nước sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nếu không có biện pháp can thiệp. Giảm thiểu căng thẳng nước là rất quan trọng đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính (sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long, sông Đồng Nai) và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Quản lý tài nguyên nước và các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước mà nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không cấp tới được.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của Tổ chức Germanwatch, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Khoảng hơn 20% dân cư chưa được tiếp cận nguồn nước sạch (khoảng 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý); trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém; có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiễm môi trường nước.
Lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000m3/người/năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA); 30% người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch; nguồn nước ngầm đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm do bị xâm nhập mặn, ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm kim loại nặng nghiêm trọng; hầu hết đô thị lớn đều bị ô nhiễm nước ngầm do tốc độ đô thị hóa...
Một số khu vực, nước dưới đất có nguy cơ ô nhiễm chất arsen cao, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và đồng bằng sông Cửu Long (229 xã), vùng Bắc Trung bộ (155 xã). Nguồn nước ở hầu hết khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai, sông Sài Gòn) do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả vào nguồn nước.
Hoài Thu