Ngành thuế ‘vào cuộc’ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19
Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Cục Thuế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cá nhân kinh doanh. |
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 113 ca nhiễm Covid-19. Diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp, khiến nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn TP.Hà Nội phải đóng cửa tạm thời.
Thống kê của Cục Thuế TP.Hà Nội cho thấy, trong 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22-37,8%.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thực hiện rà soát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Ông Mai Sơn, Cục Trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, Cục Thuế TP.Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch…
Bên cạnh đóm Chi cục Thuế sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh đối với các cá nhân kinh doanh riêng lẻ có đơn xin giảm thuế khoán do thay đổi doanh thu vì tác động của dịch.
Đối với các trung tâm thương mại, các chợ có đơn xin giảm thuế tập thể, chi cục thuế khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế.
Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội Mai Sơn yêu cầu, các phòng, các chi cục thuế và toàn thể cán bộ, công chức ngành thuế tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tại từng vị trí công tác; giao Phòng Kiểm tra nội bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức lợi dụng chính sách, làm sai quy định.
Dịp này, Cục Trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết tháng Ba, dự kiến sẽ giảm thu khoảng 4.200-5.400 tỉ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý 2, số thu giảm khoảng 6.600-9.400 tỉ đồng. Nếu dịch kết thúc trong quý 3, dự kiến số thu giảm khoảng 10.800-12.700 tỉ đồng.
Trường hợp dịch kéo dài sang quý 4, dự kiến số thu giảm khoảng 15.000-16.600 tỉ đồng. Nếu tính cả tác động giảm thu ngân sách nhà nước do áp dụng các quy định mới nhằm hạn chế đồ uống có cồn, với mức giảm thu dự kiến 2.080 tỉ đồng thì tổng thu ngân sách do Cục Thuế Hà Nội thực hiện có thể giảm 6.280-18.680 tỉ đồng.
Do đó, lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người nộp thuế nắm bắt các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh an tâm kinh doanh.
Nhật My