Thứ bảy, 27/07/2024 07:05 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/03/2020 08:09 (GMT+7)

Doanh nghiệp tăng 300% dự trữ hàng hóa để cung ứng thị trường

Theo dõi KTMT trên

Chiều 19-3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp bán lẻ hàng hóa trên địa bàn để nghe báo cáo về tình hình dự trữ hàng hóa, cung ứng và ổn định trên thị trường trong đợt dịch Covid-19.

Doanh nghiệp tăng 300% dự trữ hàng hóa để cung ứng thị trường - Ảnh 1
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C trong đợt dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, siêu thị cho biết đã sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa tăng đến 300% so với bình thường nhằm cung ứng đầy đủ cho người dân thành phố. Đồng thời, khẳng định trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp đã làm việc với nguồn cung cấp hàng hóa, bảo đảm ổn định nguồn cung để dự trữ đưa ra thị trường.

Như công ty bán lẻ BRG (sở hữu các chuỗi siêu thị Hapro Mart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) thuộc Tập đoàn BRG đã triển khai dự trữ và cung ứng đầy đủ các sản phẩm hàng hóa thiết yếu đến người dân với mức giá bình ổn, nhất là 13 nhóm hàng thuộc chương trình Bình ổn giá của thành phố và nhóm mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang vải, xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn… Riêng mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang y tế, đơn vị này đang đặt hàng các nhà cung cấp với số lượng lớn, tăng gấp 10 lần số lượng cung ứng hiện nay để bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, căn cứ cấp độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Sở đã xây dựng nhu cầu dự trữ hàng hóa cho ba tháng của quý II năm 2020 với nhu cầu sử dụng tăng gấp đôi các tháng bình thường. Tổng giá trị các loại hàng hóa như lương thực, thịt lợn, trâu, bò, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, nước đóng chai… ước đạt khoảng 174 nghìn tỉ đồng.

Riêng mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn, trong ba tháng có dịch sẽ cần chuẩn bị khoảng 234 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn, 18,36 triệu khẩu trang y tế, gần 12,4 triệu lít nước sát khuẩn. Hiện trên địa bàn có 28 đơn vị sản xuất khẩu trang với năng lực sản xuất trong một tháng đạt từ 7.800 đến 13 nghìn chiếc khẩu trang y tế và tám triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn.

Kết luận, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ghi nhận sự vào cuộc nhanh chóng của các doanh nghiệp, chung sức với thành phố trong công tác chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP khẳng định, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, không nên xuất hiện tại những nơi đông người, không cần đi mua hoặc tích trữ lương thực thực phẩm. Hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố đã dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm có thể cung ứng đủ dùng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống với mức giá ổn định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi nhất để các phương tiện cung ứng, chuyên chở thực phẩm vào thành phố. Sở Y tế hỗ trợ các phương tiện bảo hộ cho nhân viên các siêu thị, các doanh nghiệp để bảo đảm an toàn trong quá trình phục vụ nhân dân. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan y tế để làm tốt công tác phòng, chống dịch trên toàn thành phố.

Nguyên Trang

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp tăng 300% dự trữ hàng hóa để cung ứng thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.