Làm gì để hạn chế suy giảm kinh tế trước đại dịch Covid-19?
Tại thời điểm này, việc hỗ trợ DN thông qua chính sách tài khóa sẽ quan trọng hơn chính sách tiền tệ như: giảm lãi suất, bơm thêm tiền ra thị trường...
Dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội và lan rộng đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, những thiệt hại do đại dịch gây ra cho nền kinh tế đất nước thật nặng nề.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16.200 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó, gần 90% là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày, cả nước có 473 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.
Để hạn chế sự suy giảm kinh tế, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ. (Ảnh minh họa) |
Nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, thủy sản, lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất trầm trọng, có doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ. Với ngành nông nghiệp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do tạm ngừng thông quan cửa khẩu, sản phẩm nông sản bị ùn ứ, phải quay đầu bán với giá rẻ tại thị trường trong nước. Các ngành nghề khác như: du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải, kho bãi thì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Với ngành du lịch, dịch Covid-19 đã khiến sụt giảm mạnh lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc vốn đang chiếm trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Còn với ngành hàng không, dự báo, doanh thu sẽ sụt giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, mới đây, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày, do đó, con số thiệt hại được sự báo sẽ cao hơn nhiều…
Trước những tác động mạnh và tiêu cực của dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự suy giảm của nền kinh tế là không thể tránh khỏi.
Vấn đề mà doanh nghiệp mong muốn lúc này là Chính phủ các quốc gia, vùng lãnh thỗ cần tăng thêm hỗ trợ qua việc giảm thuế, phí, tăng chi tiêu của Chính phủ. Bởi khi giảm thuế, phí, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng về tài chính. Còn việc Chính phủ tăng chi tiêu tức là số tiền dành cho đầu tư công sẽ nhiều hơn, tạo thêm việc làm giúp cho nền kinh tế có thêm tiền, làm tăng sức mua, kích thích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Tại thời điểm này, việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa sẽ quan trọng hơn chính sách tiền tệ như: giảm lãi suất, bơm thêm tiền ra thị trường...
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để hạn chế suy giảm kinh tế, công việc trước mắt tại thời điểm này là cần kiểm soát và phòng chống dịch bệnh. Khi dập được dịch thì mới phát triển kinh tế được, vì tổn thất do dịch bệnh gây ra là rất lớn. Nếu dịch bệnh đang tiếp diễn sẽ làm cho mọi hoạt động kinh tế bị ngừng trệ.
“Cần có thêm gói kích thích để hỗ trợ cho nền kinh tế, tương tự như gói hỗ trợ tín dụng là 285.000 tỷ, gói giảm hoặc giãn nợ thuế là 30.000 tỷ. Đó là những giải pháp tích cực đối với mọi đối tượng, mọi doanh nghiệp để làm sao giúp các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, giảm bớt chi phí và giảm bớt khó khăn trong thời điểm hiện nay”, ông Ngô Trí Long nói.
Có cùng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín chia sẻ: “Như các quốc gia khác, điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần gấp trong năm 2020 là Chính phủ sớm có lộ trình giảm thuế để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, ngăn chặn kinh tế suy giảm. Trước mắt, Nhà nước có thể giảm thuế khoán đối với hộ kinh doanh vì thuế suất của sắc thuế này do chính quyền các tỉnh, thành phố quyết định. Còn việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất trong vài năm tới, tiếp tục thúc đẩy kinh tế đi lên”.
Cũng theo ông Tín, trong xu hướng Mỹ giảm lãi suất, chi phí vay vốn nước ngoài của Việt Nam sẽ giảm theo, giúp cho nền kinh tế có thêm nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, mới đây, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cam kết tài trợ gần 300 triệu USD cho 4 ngân hàng thương mại của Việt Nam với giá rẻ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn này để vượt qua khó khăn.
Như vậy, nếu trong năm nay, Mỹ và nhiều quốc gia khác tiếp tục giảm lãi suất, tăng thêm chính sách giảm thuế, phí… cho doanh nghiệp, nhiều khả năng kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm được đà suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19.
Chung Thủy