Ngành nông nghiệp phấn đấu đến mục tiêu xuất khẩu đạt 50 tỷ USD
Hướng đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Tại buổi họp báo diễn ra chiều qua 3/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sẽ tập trung các giải pháp về thị trường, phấn đấu mục tiêu 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%. Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu 02 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD (tăng 21%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8%); thị trường Trung Quốc đạt khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2%); thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Đến nay, Bộ NN&PTNT đã cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Gần nhất, 02 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam – Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – đánh giá, những biến động về địa chính trị, mất giá của các đồng tiền sẽ tác động đến cả các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.
Về lĩnh vực chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi – nhận định, năm nay là một năm rất nóng đối với ngành chăn nuôi, nhất là liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đến nay, nguyên liệu các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vẫn giữ, do đó, sắp tới, giá các sản phẩm chăn nuôi giảm giá là khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, việc tận dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi sẽ là một giải pháp.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, với nền kinh tế mở, những biến động của thị trường thế giới sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, riêng đầu vào về giống trong ngành trồng trọt, nhất là trong ngành lúa cơ bản chủ động, do đó, sẽ không chịu tác động về biến động về tỷ giá.
Đối với vấn đề tăng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi,… đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy sản cũng cho biết đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa chi phí, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tăng cường tận dụng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một quá trình thay đổi nhận thức của nông dân.
Liên quan đến "rau bẩn đội lốt VietGAP vào siêu thị", ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu các Ban an toàn vệ sinh thực phẩm và Sở NN&PTNT ở địa phương tăng cường phổ biến đầy đủ về việc ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và các quy định VietGap.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, đặc biệt lưu ý phải kiểm tra về ghi nhãn truy xuất nguồn gốc để phòng ngừa các trường hợp gian lận thương mại ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường của ngành công thương. Bên cạnh đó sẽ tổ chức các đơn vị tổng kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm".
Hướng đến mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD trong năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, định hướng các địa phương nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, ở thị trường trong nước tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kết quả của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nay đến cuối năm còn 03 tháng, về xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
An Như