Ngân hàng sẽ không được cho vay đặt cọc dự án bất động sản hình thành trong tương lai?
Đây là quy định mà NHNN dự định sẽ đưa vào khi sửa đổi Thông tư số 39/ 2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng.
Cụ thể, NHNN cấm các TCTD cho vay vốn để góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ hoặc không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Theo lý giải của NHNN, đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh không hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn: Việc đánh giá phương án khả thi và khả năng trả nợ của khách hàng là rất khó do hiệu quả của phương án được xác định bởi khoản lợi tức cố định do bên nhận góp vốn cam kết trả cho khách hàng, không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của bên nhận góp vốn và nguồn trả nợ của khách hàng được thẩm định, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của bên nhận góp vốn.
Trường hợp việc xác định vốn vay được sử dụng đúng mục đích được thực hiện, nhưng sau khi giải ngân vào tài khoản của bên nhận góp vốn, một số trường hợp TCTD không kiểm soát được việc sử dụng vốn của bên nhận góp vốn, không đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.
Đối với trường hợp cho vay góp vốn, hợp tác kinh doanh hình thành vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn, NHNN cho rằng, thực tế cho thấy doanh nghiệp không có nhân sự có kinh nghiệm, không có máy móc, phương tiện hoạt động thi công công trình; không có tài sản cố định phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh, không có khả năng tài chính cũng như năng lực thực hiện dự án/phương án... Trong khi đó, TCTD thực hiện thẩm định, quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay thiếu chặt chẽ...
Về cho vay hoàn vốn tự có, NHNN cho rằng, việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay và tính xác thực của các giao dịch mà TCTD tài trợ trong thực tế; TCTD sẽ không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân.
Về cho vay thanh toán tiền đặt cọc: TCTD cấp tín dụng cho khách hàng để đặt cọc hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên hầu hết các dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật như: chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sau khi TCTD cấp tín dụng khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng bổ sung cấm các TCTD cho phép vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba.
Theo NHNN, thực tiễn thời gian qua, một số TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba, như chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản cảnh báo TCTD, vì vậy, cần xem xét bổ sung quy định này để đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay.
Liên quan đến việc siết chặt tín dụng trong thời gian qua, tại họp báo Chính phủ, ngày 4/6, báo chí đặt câu hỏi: Thời gian qua, có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nếu siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây ra những tác động lớn đến thị trường. Xin cho biết định hướng phát triển thị trường và vốn ở lĩnh vực này như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN nói: "Tôi đã giải thích báo cáo về việc gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ ngữ như vậy".
Theo ông Tú, từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán.
"Đối với lĩnh vực bất động sản, những đối tượng cần kiểm soát chặt là tín dụng là ở những dự án lớn, xây dựng những khu resort, khu nghỉ dưỡng và những dự án có tính chất đầu cơ, tính chất lũng đoạn giá" - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh tinh thần này sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện trong suốt năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tín dụng bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4 tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2,288 triệu tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 có tăng nhanh hơn.
Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 66 - 67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu.
"Điều này chứng tỏ rằng không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị siết chặt tín dụng và không có nghĩa rằng nguồn cung bất động sản bị thiếu do bị siết tín dụng," Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Lãnh đạo NHNN thông tin thêm, tín dụng "chảy" vào bất động sản vẫn tăng, và điều này là bình thường. Đối với tín dụng bất động sản vào một số phân khúc cần được tạo điều kiện thuận lợi như nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội hay nhà ở cho công nhân... Trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, về phía NHNN có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ.
"Đây là một trong những chương trình rất quan trọng. Các ngân hàng thương mại cùng với NHNN, các Bộ, ngành đang triển khai tích cực", ông Tú cho nói.
Bên cạnh đó, NHNN đã có hội nghị triển khai Nghị định 31 và có công văn của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ 2% lãi suất.
Hà Lan