Thứ ba, 26/11/2024 04:15 (GMT+7)
Thứ tư, 29/07/2020 13:45 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo - xu hướng phát triển nền kinh tế xanh

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong một vài tháng trở lại đây, hàng loạt dự án điện Mặt Trời công suất lớn đã được khánh thành, đi vào hoạt động, cho thấy sức phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo này tại Việt Nam hiện nay.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước bước vào lĩnh vực xây dựng các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam. Thậm chí, đầu tư năng lượng tái tạo còn đang trở thành xu hướng đối với các tập đoàn doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh.

Năng lượng tái tạo - xu hướng phát triển nền kinh tế xanh - Ảnh 1
Điện mặt trời đang dần trở thành ngành kinh tế trọng điểm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng từng đánh giá: “Với nhu cầu điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 dự báo tăng khoảng 8,5%/năm; mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 5.000-6.000 MW điện trong giai đoạn này”.

Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với một trong những mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Sau khi chủ trương của Bộ Chính trị được đưa ra, Tập đoàn T&T là một trong những nhà đầu tư đầu tiên hưởng ứng chủ trương này thông qua việc đầu tư xây dựng dự án điện Mặt Trời Phước Ninh.

Ngày 22/6/2020, sau gần 4 tháng thi công, dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh đặt tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (đơn vị thành viên của Tập đoàn T&T Group) làm chủ đầu tư, đã chính thức khánh thành. Tổng mức đầu tư dự án là trên 1.000 tỉ đồng với công suất 45MW.

Trước đó, tối ngày 10/6/2020, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh chính thức hòa lưới, cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện khoảng 75 triệu kWh/năm.

Nối tiếp dự án điện Mặt Trời Phước Ninh, ngày 9/7 vừa qua, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Licogi 16 phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ khánh thành Nhà máy điện Mặt Trời Solar Farm Nhơn Hải-Ninh Thuận, với công suất 35MWp.

Dự án có tổng vốn đầu tư 750 tỉ đồng do Công ty Cổ phần điện mặt trời Licogi 16 làm chủ đầu tư, trên quy mô diện tích 42 ha; tổng công suất 35 MWp.

Sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp vào lưới điện quốc gia 59 triệu kWh/năm, mang lại doanh thu khoảng 136 tỉ đồng/năm.

Năng lượng tái tạo - xu hướng phát triển nền kinh tế xanh - Ảnh 2
Ninh Thuận là một trong những tỉnh thành tập trung nhiều dự án điện Mặt Trời nhất cả nước.

Với điều kiện đặc thù rất phù hợp cho phát triển năng lượng tái tạo, Ninh Thuận hiện là một trong những tỉnh thành tập trung nhiều dự án điện Mặt Trời nhất cả nước. Tới nay toàn tỉnh có 23 dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 1.403 MWp. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có 8 dự án được đưa vào vận hành, nâng công suất đạt 2.123 MWp với tổng sản lượng điện dự kiến khoảng 2,5 tỉ kWh.

Trong khi đó tại Quảng Bình, ngày 28/7, sau hơn 1 tháng rưỡi thi công, công trình điện Mặt Trời mái nhà lớn nhất tỉnh chính thức đóng điện và đưa vào vận hành.

Công trình điện Mặt Trời mái nhà SMETECH được lắp đặt tại mái xưởng công nghiệp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến gỗ Hải Hậu, tại phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, với 2.232 tấm pin, tổng công suất lắp đặt 926,28kWp, với tổng kinh phí đầu tư cho công trình ước tính khoảng 13 tỉ đồng.

Đây là công trình điện Mặt Trời mái nhà đầu tiên có công suất gần 1.000kWp, lớn nhất tại tỉnh Quảng Bình từ trước đến nay đã ký hợp đồng bán điện với ngành điện.

Bên cạnh các dự án điện Mặt Trời vừa khánh thành, đi vào hoạt động, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn có thêm nhiều dự án điện Mặt Trời công suất lớn tiếp tục được xây dựng, cho thấy ngành năng lượng tái tạo trong nước đang bước vào giai đoạn nở rộ.

Sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất với Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh 2 dự án điện Mặt Trời tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ ở huyện Quỳnh Lưu. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án năng lượng này trên 6.500 tỉ đồng.

Hai dự án điện mặt trời tại Quỳnh Lưu, Nghệ An là dự án nổi trên mặt hồ - xu hướng mới trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng. Song theo Bộ Công thương, các dự án này cần được xem xét, đánh giá kỹ tác động môi trường, giải pháp thi công xây dựng để không gây ô nhiễm lòng hồ, ảnh hưởng đến chất lượng nước, hệ sinh thái lòng hồ cũng như an toàn công trình.

Như vậy, một loạt dự án điện Mặt Trời công suất lớn đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn có thể xem là những chỉ dấu cho thấy, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn mình trở thành ngành kinh tế có quy mô lớn, phát triển năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đúng như ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từng nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020, tổ chức ngày 22/7, tại Hà Nội: “Trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đồng thời bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra”.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực tế phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua cho thấy, nếu có sự góp sức của các thành phần kinh tế khác ngoài doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân, Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong thời gian ngắn hơn so với kỳ vọng.

Với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, ngành công nghiệp năng lượng đang dần trở thành điểm sáng kinh tế của nhiều tỉnh thành vốn giàu tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực này.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo - xu hướng phát triển nền kinh tế xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới