Năng lực phát triển du lịch Việt Nam tăng cao
Theo báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum, WEF - WEF) chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 đứng vị trí thứ 52, thứ hạng tăng 8 bậc so với năm 2019, là quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%).
Kể từ năm 2007, WEF đã xây dựng báo cáo đầu tiên về Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu. Trong 15 năm qua, báo cáo này đã trở thành thước đo uy tín hàng đầu trong ngành du lịch thế giới.
Theo đó, chỉ số năng lực phát triển du lịch (Travel and Tourism Development Index - TTDI) được đề cập trong báo cáo của WEF hiện nay là bản nâng cấp của Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch (Travel and Tourism Competitiveness Index - TTCI). Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch đã được sử dụng trong 15 năm qua. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh mới sau dịch bệnh Covid-19, WEF đã có cách tiếp cận mới, chuyển đổi sang bộ chỉ số mới đo lường về năng lực phát triển du lịch.
Chỉ số năng lực phát triển du lịch sẽ gồm 5 nhóm chính: Môi trường hoạt động; Chính sách và điều kiện hỗ trợ; Cơ sở hạ tầng; Động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch; Sự bền vững của du lịch với 17 chỉ số trụ cột bao gồm: An ninh, an toàn; Y tế và vệ sinh; Chính sách mở cửa; Hạ tầng du lịch, vận chuyển; Tài nguyên tự nhiên, văn hóa; Bền vững của môi trường và chia nhỏ ra 112 chỉ số thành phần.
Trong khi đó, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch của trước đây chỉ có 4 nhóm với 14 chỉ số trụ cột và chia nhỏ ra thành 90 chỉ số thành phần. Bộ chỉ số năng lực phát triển du lịch nay đã được điều chỉnh và bổ sung các chỉ số mới tập trung vào đánh giá mức độ bền vững của du lịch.
Song, 2 năm qua, những thiệt hại nặng nề của ngành du lịch thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề của WEF. Từ chỗ đánh giá xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh, giờ đây diễn đàn này chuyển sang Chỉ số năng lực phát triển. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong chủ đề của báo cáo năm 2021: “Tái thiết vì một tương lai bền vững và kiên cường hơn.”
Trong năm 2021, WEF đánh giá cao những thành tựu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, sự nỗ lực, thích ứng linh hoạt trong công cuộc mở cửa và hồi phục ngành du lịch, cũng như những yếu tố bền vững làm điểm tựa để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh.
Đồng thời, nêu ra các chỉ số được đánh giá cao nhất của Việt Nam như: Giá cả cạnh tranh (hạng 15), an ninh an toàn (hạng 33), cơ sở hạ tầng giao thông mặt đất và cảng hàng không (hạng 15). Ngoài ra, Việt Nam còn ghi điểm bởi chỉ số tài nguyên môi trường thiên nhiên (hạng 24), tài nguyên giải trí và nghỉ dưỡng (hạng 29).
Tuy nhiên, trong báo cáo cũng chỉ ra một số điểm yếu còn tồn đọng tại Việt Nam như hạ tầng du lịch (hạng 86), mức độ ưu tiên cho du lịch (hạng 87) và môi trường bền vững (hạng 94).
Cùng sánh vai với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) tăng 3,4%, đứng hạng 44 và Ả rập Saudi (tăng 10 bậc) tăng 2,3%, đứng hạng 33 là ba quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất.
Ngoài ra, trong khu vực châu Á, Malaysia tụt 9 cấp xuống hạng 38, Ấn Độ tụt 8 cấp xuống hạng 54.
Theo đánh giá của Trung tâm thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, qua báo cáo lần này, cũng đã phần nào cho thấy được những thành tựu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam. Bên cạnh đó cũng là đòn bẩy để thực hiện quyết sách nhằm phục hồi du lịch, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
An Nguyên (t/h)