Thứ sáu, 29/03/2024 22:24 (GMT+7)
Thứ tư, 19/08/2020 07:30 (GMT+7)

'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Xây dựng lối sống xanh

Theo dõi KTMT trên

Đốt rơm rạ, dùng bếp than tổ ong là thói quen của người dân Hà Nội. Dù tiện dụng song đây lại là một trong 12 nguyên nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Hà Nội đang quyết tâm loại trừ mối nguy này.

Hơn 15.000 bếp than tổ ong vẫn nhả khói mỗi ngày

Số liệu khảo sát hiện tượng sử dụng bếp than tổ ong của Sở TN&MT TP.Hà Nội cho thấy, năm 2017, toàn thành phố có gần 53.300 bếp than tổ ong. Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải tương đương 1.870 tấn khí CO2 vào bầu khí quyển thành phố.

Tính đến tháng 6/2020, toàn thành phố còn 15.418 bếp than tổ ong. Theo đánh giá, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 hộ gia đình ở Hà Nội.

Theo báo cáo kết quả thực hiện ở các quận, huyện, 4 quận huyện giảm được số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất là Hoàn Kiếm (100%), huyện Sóc Sơn (99%), huyện Ứng Hòa (98%), quận Long Biên (91%). Tuy số lượng bếp đã giảm hơn 70% nhưng khói than tổ ong vẫn tác động không nhỏ đến môi trường không khí Thủ đô.

'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Xây dựng lối sống xanh - Ảnh 1
Chính quyền cần hướng dẫn người dân biến rơm rạ thành tài nguyên trong sản xuất.

Vấn nạn đốt rơm rạ diễn ra chủ yếu ở các huyện ngoại thành mỗi mùa gặt hái. Theo số liệu báo cáo từ các huyện gửi về Sở TN&MT TP.Hà Nội, đến hết tháng 6/2020, dù tỉ lệ đốt rơm rạ tại các địa phương đã giảm rõ rệt, nhưng hiện tượng này vẫn tái diễn theo mùa vụ, chưa địa phương nào hoàn toàn xoá bỏ được tình trạng đốt rơm rạ.

Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ. Mặt khác, các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí cho các xã trên địa bàn, để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; vẫn thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát về việc thực thi nhiệm vụ đốt rơm rạ...

Xua tan khói than, bình an lá phổi

Để xóa bỏ khói than tổ ong, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong. Về lộ trình cắt giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong ở Hà Nội, từ nay cho đến ngày 31/12, thành phố sẽ yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Từ ngày 1/1/2021, các cá nhân, hộ gia đình nào còn sử dụng than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, thời gian tới, Sở yêu cầu các địa phương đẩy mạnh rà soát, xây dựng và ban hành các quy định đặc thù nhằm hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong; giới thiệu các loại bếp công nghệ mới và hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo mua bếp từ, bếp gas.

Để hạn chế ô nhiễm từ đốt rơm rạ, Sở TN&MT Hà Nội đang đề xuất UBND thành phố ban hành chỉ thị cấm đốt rơm rạ, tương tự như Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong.

Thành phố đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2020, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt chất thải rắn sinh hoạt, rơm rạ và các phụ phẩm cây trồng trên địa bàn thành phố.

Cần hỗ trợ người dân

Chia sẻ về giải pháp để người dân tự nguyện “nói không” với than tổ ong và đốt rơm rạ, PGS.TS Hoàng Anh Lê - Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng: Hiện nay, chủ yếu đối tượng đốt rơm rạ và dùng than tổ ong là những người dân có thu nhập còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra các chính sách nghiêm cấm hay xử phạt, thành phố Hà Nội cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật để giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn rơm rạ sau thu hoạch cũng như việc chuyển đổi sang các loại bếp thân thiện với môi trường.

Đại học Khoa học Tự nhiên đang nghiên cứu phương pháp làm ra các nguồn nhiên liệu mới thân thiện với môi trường từ rơm rạ như: Viên nhiên liệu sinh học; phế phẩm phối trộn…

Trong khi đó, theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, để việc xóa bếp than tổ ong tại Hà Nội đem lại hiệu quả thực chất, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ có thể dẫn đến những hệ lụy. Đến hết năm nay, nếu đun nấu bằng bếp than tổ ong sẽ bị xử phạt nên có thể, lo sợ phạt, người dân sử dụng một cách lén lút ở những nơi kín đáo hơn sẽ rất nguy hiểm.

Phạm Oanh

Bạn đang đọc bài viết 'Nâng hạng' chất lượng môi trường không khí: Xây dựng lối sống xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.