Nam Á Bank lãi lớn nhưng nợ xấu tăng
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank) đạt lợi nhuận sau thuế năm 2022 với 1.808 tỉ đồng, nhưng nợ có khả năng mất vốn chạm ngưỡng 1.320 tỉ đồng (tăng 221 tỉ đồng so với năm 2021).
Năm 2022 đánh dấu quá trình 30 năm hình thành và phát triển của Nam Á Bank (UpCoM: NAB) với nhiều thăng trầm. Tại bản Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của NAB ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận sau thuế 1.808 tỉ đồng, tổng tài sản gần 180.000 tỉ đồng (tăng 16% so với năm 2021), tổng huy động vốn đạt gần 140.000 ti đồng (tăng 9,3% so với năm 2021).
Thế nhưng, theo dõi kết quả kinh doanh qua các quý của Nam Á Bank trong năm 2022 có thể thấy, doanh thu thuần tăng đều nhưng lợi nhuận của ngân hàng này lại không tương xứng. Cụ thể, doanh thu thuần của NAB trong quý 1/2022 là 1.098 tỉ đồng (lợi nhuận trước thuế 645 tỉ đồng); Quý 2/2022 doanh thu thuần 1.242 tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 526 tỉ đồng (thấp hơn quý 1/2022 119 tỉ đồng); Quý 3/2022 doanh thu thuần 1.371 tỉ đồng, lợi nhuận 684 tỉ đồng; Đến quý 4/2022 doanh thu thuần 1.405 tỉ đồng nhưng lợi nhuận lại chỉ đạt 359 tỉ đồng, đây cũng là quý lợi nhuận thấp nhất của NAB trong năm 2022.
Mặt khác, tình hình nợ xấu của NAB vẫn là điều khiến nhiều người lo ngại. Tính đến hết ngày 31/12/2022, nợ nhóm 3, 4, 5 của NAB là 1.611 tỉ đồng, chiếm hơn 1% tổng dư nợ của ngân hàng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của NAB chiếm tới gần 90% trong nhóm nợ xấu, đạt gần 1.320 tỉ đồng (tăng thêm 221 tỉ đồng so với năm 2021).
Nợ nhóm 3, 4 của NAB có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn hơn 291 tỉ đồng và có nguy cơ bị xếp vào nhóm 5. Điều này khiến cho NAB tiếp tục phải dự phòng rủi ro cho vay khách hàng hơn 1.244 tỉ đồng.
Vấn đề nợ xấu của NAB bắt đầu từ năm 20221, khi mà vượt qua ngưỡng 1.000 tỉ đồng vào quý 4/2021 (con số này vào cuối năm 2020 chỉ là 467 tỉ đồng). Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của NAB vào thời điểm đó thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khi phải dành một khoản lớn cho chi phí dự phòng rủi ro.
Nợ xấu khiến NAB đứng trước nguy cơ mất một số vốn không nhỏ, khiến khả năng quay vòng vốn có thể bị gián đoạn; đặc biệt là làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng.
Nói về khả năng giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong năm 2023, nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngai khi mà một trong những thách thức của việc xử lý nợ xấu của năm nay nằm ở chính môi trường lãi suất cao, chính sách tiền tệ thận trọng có thể khiến nhu cầu đầu tư thu hẹp và các giao dịch tài sản trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, trong cơ cấu lãi năm 2022 của NAB ghi nhận sự tăng trưởng dương ở nhiều mảng. Đi kèm theo đó là chi phí hoạt động cũng tăng theo. Đơn cử như ở mảng kinh doanh dịch vụ, NAB ghi nhận lãi gần 275 tỉ đồng trong năm 2022, riêng quý trong quý 4/2022 mảng này đem lại cho NAB lợi nhuận gần 63 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, chi phí dành cho mảng hoạt động dịch vụ của NAB lại tăng đột biến và tăng trưởng lợi nhuận chưa tương xứng với chi phí bỏ ra. Đơn cử, so sánh tại quý 4/2021, NAB chi phí hoạt động dịch vụ 20 tỉ đồng nhưng đem về khoản lãi thuần lên tới gần 73 tỉ đồng. Còn tại quý 4/2022, NAB chi phí hoạt động dịch vụ hơn 52 tỉ đồng nhưng đem về lợi nhuận thuần có gần 63 tỉ đồng (giảm 9 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái).
Hay như cả năm 2021, NAB chi phí hoạt động dịch vụ gần 73 tỉ đồng nhưng lãi tới gần 208 tỉ đồng (tương đương 285%), con số này trong năm 2022 chỉ là xấp xỉ 215%.
Cùng với đó, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của NAB trong năm 2022 cũng giảm 56,3% so với năm trước xuống 119,4 tỉ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2/2023, cổ phiếu NAB dừng ở mức 9.500 đồng/cp, giảm 3,06% so với phiên giao dịch ngày hôm trước. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp cổ phiếu NAB trên đà giảm giá, và lượng bán ra nhiều hơn lượng mua vào.
Đông Anh