Mỹ: Xử lý 100% nước thải để giải quyết siêu hạn hán
Khi biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực miền Tây nước Mỹ, dẫn đến ít mưa hơn và nhiều ngày quá nóng, Los Angeles đang áp dụng các đổi mới để quản lý nhu cầu nước của thành phố. 100% lượng nước thải của thành phố sẽ được khai thác vào năm 2035.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Climate Change (Thay đổi khí hậu tự nhiên) cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021 là thời kỳ khô hạn nhất trong 1.200 năm ở miền Tây nước Mỹ. Mức độ nghiêm trọng của hạn hán năm ngoái là "đặc biệt", và tất cả các dấu hiệu cho thấy tình trạng khắc nghiệt sẽ tiếp tục trong năm 2022.
Cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã khiến tình trạng siêu hạn hán tồi tệ hơn 72%, nghiên cứu lưu ý.
Đốt nhiên liệu hóa thạch đang có tác động trực tiếp đến nguồn nước sẵn có ở miền Tây, nơi trong hai thập kỷ qua được đặc trưng bởi thời tiết khô hạn, chỉ có những cơn mưa thoáng qua.
Lấy ví dụ Los Angeles vào tháng 12 chẳng hạn. Với lượng mưa gần 250mm, đây là tháng ẩm ướt kỷ lục thứ hai của thành phố, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Nhưng ước mơ về việc khắc phục hạn hán đã tan thành mây khói khi trời quang mây tạnh. Tháng trước, lượng mưa chưa đến 25mm đã rơi ở Los Angeles, khiến đây là tháng Giêng khô hạn thứ tám trong kỷ lục của thành phố. Đến giữa tháng Hai, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn.
Những biến động vậy càng rõ rệt do biến đổi khí hậu. Năm 2021 là năm đặc biệt khô hạn. Theo cơ quan theo dõi hạn hán Chính phủ Mỹ, tính đến ngày 10/2 năm này, có tới 95% diện tích các bang miền Tây nước Mỹ đã ghi nhận tình trạng hạn hán. Mùa Hè năm này, mực nước ở hai hồ chứa nước lớn nhất vùng Bắc Mỹ là hồ Mead và Powell đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ.
David Feldman, giáo sư về quy hoạch đô thị và chính sách công tại Đại học California, Irvine, cho biết: "Có những bằng chứng cho thấy có ít mưa hơn trên thực tế. Điều dường như đang xảy ra theo hầu hết các nhà khoa học khí hậu là chúng ta đang kéo dài hơn thời kỳ khô hạn hơn. Nhưng điều trớ trêu là những khoảng thời gian khô hơn, dài hơn đó lại bị chấm dứt bởi những cơn bão rất dữ dội".
Park Williams, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học UCLA và là tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng sẽ mất vài năm lượng mưa và tuyết rơi trên mức trung bình mới có thể làm dịu siêu hạn hán. Rất khó có khả năng đợt hạn hán này sẽ kết thúc trong một năm ẩm ướt.
Giới chức ở Los Angeles nhận thức sâu sắc về tình trạng cạn kiệt nước và đang làm việc để nắm bắt từng giọt có thể. Hạt Los Angeles đã đào một số bãi đất lớn, hở, để hấp thụ lượng mưa và nạp lại các tầng chứa nước dưới lòng đất. Các lưu vực cũng lấy nước chuyển hướng từ các đập.
Bà Traci Minamide, Giám đốc điều hành Công ty Vệ sinh và Môi trường Los Angeles, cho biết: “Một trong những trọng tâm chính của chúng tôi là nước tái chế và trên thực tế, mục tiêu của thành phố Los Angeles là tái chế 100% lượng nước thải. Điều đó sẽ giúp chúng tôi cung cấp nguồn nước tại địa phương bền vững và liên tục."
Bà Minamide nhấn mạnh rằng mục tiêu 100% nói trên là của toàn bộ nước thải. “Nước tái chế được đi qua hệ thống thu gom nước thải, trên toàn bộ mạng lưới 10.400km đường cống của chúng tôi. Nước thải đến từ tất cả người dân và các doanh nghiệp thương mại”.
Bà Minamide giải thích rằng nước được xử lý ở độ tinh khiết rất cao - tốt hơn nước cất - trước khi được cung cấp cho quá trình thẩm thấu nước ngầm, sau đó được bơm lên, xử lý và sử dụng làm nước uống.
Công ty Vệ sinh và Môi trường Los Angeles hiện đang xử lý và cung cấp tới trên 45 triệu lít nước mỗi ngày cho các tầng chứa nước, nhưng bà Minamide cho biết họ đang có kế hoạch tăng con số này lên hơn 750 triệu lít mỗi ngày.
Sở Vệ sinh và Môi trường cũng có các dự án đối phó với thời tiết khô hạn khác nhằm thu giữ nước chảy tràn trên các đường phố, làm sạch nước và sau đó cung cấp cho hoạt động tưới tiêu tại địa phương.
Ở các khu vực khác của thành phố, cảnh quan được thiết kế để mặt đất hấp thụ nước ngay tại nơi nằm trong các tầng chứa nước. Một số nơi thực hiện nhiều cải tạo để bảo tồn nước, chẳng hạn như chuyển sang lát đá thấm thay vì nhựa đường.
Nguyễn Linh (T/h)