Thứ năm, 19/09/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/08/2024 06:00 (GMT+7)

Muốn tăng trưởng xanh phải lấy doanh nghiệp, con người làm trung tâm

Theo dõi KTMT trên

Tăng trưởng xanh phải đặt doanh nghiệp, con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Muốn tăng trưởng xanh phải lấy doanh nghiệp, con người làm trung tâm - Ảnh 1

Tăng trưởng xanh - Xu thế không thể đảo ngược

Tăng tưởng xanh, bền vững đã, đang trở thành mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là xu hướng toàn cầu hướng tới sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai. Trong đó, tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo dung hòa cả 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường, giải quyết một cách đồng thời, hài hòa các vấn đề về môi trường và phát triển.

Hơn 30 năm kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, vị trí trên trường quốc tế với những bước tăng trưởng vượt bậc cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời gian qua vẫn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu tài nguyên dạng thô, trong khi đó tài nguyên thiên nhiên được xem là một trong 4 động lực cơ bản quan trọng nhất của tăng trưởng đã bị khai thác quá mức, thiếu kế hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường và đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra; môi trường ngày càng suy thoái; thiên tai, thảm họa diễn biến thất thường gây nhiều thiệt hại về người và của; đồng thời gây những áp lực lớn cho phát triển đất nước. Các vấn đề về suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên, nguy cơ đe dọa an ninh lương thực, thiếu hụt năng lượng đang ngày càng hiện hữu.

Do hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều phát thải khí nhà kính, nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường nên việc giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính được coi là vấn đề mấu chốt, nằm trong số những chỉ tiêu quan trọng của tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính là 266 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải trong năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất: 53,05%, tiếp theo là nông nghiệp: 33,20%. Phát thải từ các quá trình công nghiệp và chất thải tương ứng là 7,97% và 5,78%.

Sau 4 năm, tổng lượng phát thải khí nhà kính (năm 2014) tại Việt Nam là 321,5 triệu tấn CO2. Trong các lĩnh vực có phát thải khí nhà kính của năm 2014, tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành năng lượng (bao gồm hoạt động giao thông vận tải) lớn nhất chiếm 53,8%, tiếp theo là ngành nông nghiệp chiếm 27,92%, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU) chiếm 12,01% và chất thải chiếm 6,69%. Dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng phát thải khí nhà kính sẽ lên đến 447,1 triệu tấn vào cuối năm 2020 và đạt tới 787,4 triệu tấn vào năm 2030 nếu như Việt Nam không có các biện pháp nỗ lực mạnh mẽ.

Do vậy, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường. Tăng trưởng xanh chính là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong các giai đoạn sau này của Việt Nam và theo xu hướng tăng trưởng của thế giới. Điều này cũng phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển của Đảng cũng như quan điểm, mục tiêu và định hướng của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường."

Phát triển bền vững là một mục tiêu căn bản trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song hành với mục tiêu phát triển kinh tế. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành cho bảo vệ môi trường tăng lên đáng kể.

Được triển khai từ năm 2012 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu chung đặt ra là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Muốn tăng trưởng xanh phải lấy doanh nghiệp, con người làm trung tâm - Ảnh 2

Phải lấy doanh nghiệp, con người làm trung tâm

"Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ, hủy hoại môi trường." Đó là một trong năm vấn đề "chúng ta cần" mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."

Phát triển bền vững, trong đó giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa phát triển và môi trường, chính là một trong những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng chính là mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi. 

Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng và cũng đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như: Sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường; đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; giảm thiểu khí thải; áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG),…

Song bên cạnh đó, vẫn còn những "lực cản" cơ bản đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo một khảo sát của VCCI, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ các quy định môi trường, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường.

Các vấn đề nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao. Dù cũng đã có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững, song nhiều doanh nghiệp vẫn bị hạn chế về công nghệ do thiết bị, máy móc sản xuất đã cũ; các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức độ cân nhắc, chưa có động thái hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo, việc chuyển đổi từ hệ thống sản xuất truyền thống sang mô hình bền vững rất cần thiết để bảo vệ môi trường tương lai cho thế hệ tiếp theo. Hiện 82% sản lượng thép thô của hệ thống VNSTEEL được nung từ lò điện và 18% từ lò cao, được sản xuất tập trung vào hạ nguồn nên lượng phát thải ra môi trường của VNSTEEL không cao hơn so với bình quân của các doanh nghiệp ngành thép.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững. Chính phủ cần có những định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam để tận dụng được những cơ hội quốc tế mà thị trường mang lại; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp và thân thiện với môi trường. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chắc chắn không phải là con đường dễ đi, nhưng sẽ mang lại nhiều "trái ngọt" xứng đáng với nỗ lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, con người cũng cần được đặt ở vị trí trung tâm của tiến trình tăng trưởng xanh. Cụ thể là các phúc lợi có được từ tăng trưởng xanh, đào tạo nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi xanh, tiếp cận tài chính xanh...

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - đưa ra quan điểm rằng muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm tại tọa đàm tín chỉ carbon do Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng ngày 16/8. Theo ông Vinh, để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ. Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.

Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh tăng trưởng xanh phải đặt con người làm trung tâm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghiệp hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Để làm được điều đó cần có sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết Muốn tăng trưởng xanh phải lấy doanh nghiệp, con người làm trung tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

SeABank chú trọng đẩy mạnh tín dụng xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, tín dụng xanh chính là một trong những giải pháp mà rất nhiều các tổ chức tài chính hướng đến.

Tin mới