Thứ bảy, 23/11/2024 02:06 (GMT+7)
Chủ nhật, 03/10/2021 13:25 (GMT+7)

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ cuối): Chuyên gia hiến kế phát triển rừng bền vững

Theo dõi KTMT trên

Để bảo vệ rừng, chúng ta cần phải làm nhiều việc từ cấp trung ương cho tới các địa phương, đến cá nhân những người có trách nhiệm quản lý bảo vệ và chăm sóc rừng….

Tạo sinh kế ổn định cho người dân

Có thể nói, chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được xem như là bước đột phá của ngành Lâm nghiệp, khẳng định hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả nhất định, tạo lập nên một nguồn lực tài chính mới, mang tính ổn định bền vững thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả chính sách đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

GS.TS. Trần Văn Chứ – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha.

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, tổng diện tích rừng được hỗ trợ quản lý bằng tiền dịch vụ môi trường rừng là 6,5 triệu ha rừng, chiếm 44% tổng diện tích rừng toàn quốc, trong đó 2,7 triệu ha của chủ rừng là tổ chức khoán quản lý bảo vệ cho 30.233 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, nhóm hộ và tổ chức khác.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ cuối): Chuyên gia hiến kế phát triển rừng bền vững - Ảnh 1
Người dân được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần vào việc chăm sóc bảo vệ rừng tốt hơn.

Trong năm 2020, nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước là hơn 2.500 tỉ đồng, đã giải ngân cho các địa phương cấp tỉnh là hơn 934 tỉ đồng, 100% chủ rừng tại địa phương đã nhận được tiền dịch vụ môi trường rừng. Với đơn giá chi trả bình quân hiện nay từ 500 - 600 nghìn đồng/ha/năm và diện tích nhận 25 - 30 ha/hộ, đã tạo nguồn thu nhập 12,5 - 18,0 triệu đồng/hộ/năm. Chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng.

Là địa phương có rừng, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái khẳng định, điều quan trọng nhất là chính sách dịch vụ môi trường rừng đã mang lại quyền lợi cho người dân, từ đó làm thay đổi ý thức người dân từ chặt phá, khai thác rừng sang trồng và tu bổ rừng, người dân có trách nhiệm phát triển rừng bền vững gắn với đa dạng sinh học.

Hơn nữa, nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở các xã vùng cao được nâng lên đáng kể, nạn phá rừng làm nương rẫy, cháy rừng, khai thác lâm sản quá mức được ngăn chặn, góp phần làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng được hiệu quả, bền vững. 

Ở nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đang thực hiện việc chi trả DVMTR cho người dân và đã ghi nhận được nhiều biến chuyển trong việc trồng chăm sóc và bảo vệ rừng một cách bền vững và hiệu quả.

Gắn trách nhiệm địa phương với sự sống của những cánh rừng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN cho rằng: Nhận thức được sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với loài người, từ nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm hướng tới bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đang có, mở rộng diện tích rừng trồng, tăng tỷ lệ che phủ rừng. Điều này được thể hiện rõ qua các chương trình cụ thể.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ cuối): Chuyên gia hiến kế phát triển rừng bền vững - Ảnh 2
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh.

Thế nhưng trên thực tế, đáng buồn thay việc trồng rừng, tăng diện tích che phủ trên cả nước vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của chúng ta trong khi tình trạng phá rừng vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Trong thời gian qua, phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin về hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng trên rất nhiều vùng miền khác nhau, khiến tính an toàn sinh thái tại Việt Nam vốn đã thấp do tỷ lệ rừng tự nhiên chỉ còn chưa đầy 0,5 triệu ha lại càng thấp hơn.

Để bảo vệ sự đa dạng sinh học của các cánh rừng, chúng ta cần phải có các biện pháp tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân địa phương với bảo vệ rừng. Những địa phương làm tốt cần có biện pháp khích lệ, khen thưởng, động viên. Đối với những địa phương làm chưa tốt, thì cần kiểm tra, xem xét lại. Cần thiết có thể cắt giảm tiền phí bảo vệ môi trường rừng mà người dân đang được hưởng, để cho họ thấy lợi ích từ việc bảo vệ tốt những cánh rừng tự nhiên xung quanh ta.

Ngoài ra chúng ta cũng cần xem xét lại trách nhiệm của chính quyền địa phương tại các khu vực thường xuyên để mất rừng, thay vì chỉ xử lý các đối tượng lâm tặc như hiện nay. Khi hiện nay các đối tượng lâm tặc phá rừng sử dụng rất nhiều phương tiện máy móc, thậm chí cả xe tải cỡ lớn vào để phục vụ phá rừng nên việc chính quyền địa phương không hay không biết là vô lý. Cần phải gắn trách nhiệm của họ với sự sống của những cánh rừng.

Không tùy tiện chuyển đổi đất rừng

Hiện, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có rừng. Hầu như địa phương nào cũng có các dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, như quy định cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên; Yêu cầu tổ chức rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện;

Tạm dừng cấp phép đầu tư các công trình thủy điện tác động và ảnh hưởng đến rừng; Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế, kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng…, nhưng theo Bộ NN&PTNT, việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp ở nhiều địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ, toàn diện.

Từ năm 2017 đến nay, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tổ chức rà soát hồ sơ, kết hợp với kiểm tra thực địa đối với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng 183.740 ha rừng. Bộ NN&PTNN trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng 133 dự án, chiếm 3,66% dự án đề xuất với diện tích 3.325 ha, chiếm 1,81% diện tích đề xuất.

Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ cuối): Chuyên gia hiến kế phát triển rừng bền vững - Ảnh 3
Bảo vệ rừng cần sự chung tay của cả cộng đồng.

ĐBQH Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cũng cho rằng, đất rừng nguyên sinh, phòng hộ hay đất rừng sản xuất đều có ý nghĩa lớn về môi trường, giúp giữ đất, nước và điều hòa không khí, do đó trong quá trình thẩm định, các địa phương phải hết sức thận trọng.

ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) đánh giá, việc chuyển đổi đất rừng làm các dự án khác, trong đó có dự án điện tái tạo cần tuân thủ Luật Lâm nghiệp. Ông Giang khuyến cáo, chỉ nên lựa chọn các vùng đất hoang hóa hoặc khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà bởi đây là nguồn điện có hiệu quả và dư địa rất lớn. Tuyệt đối không làm dự án điện mặt trời nếu gây mất diện tích rừng. Ngay cả dự án điện gió chỉ sử dụng một phần đất rừng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cấp phép. Không đánh đổi đất rừng cho mục đích phát triển kinh tế.

Còn theo chia sẻ của TS. Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Đăk Lăk, phải xác định độ ổn định lâm phần để xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng rừng bền vững (đặt trong bối cảnh toàn cảnh quan). Đã ổn định thì không chuyển đổi mục đích sử dụng trong một thời gian nhất định – trừ trường hợp đặc biệt quan trọng.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng chia sẻ: Khi chuyển đổi rừng chính là đánh đổi giá trị về môi trường sinh thái để lấy một mục tiêu khác. Mục tiêu ấy nếu là kinh tế thì phải xem cái lợi về kinh tế đến mức nào mà quyết định đánh đổi. Còn nếu đó là mục tiêu xã hội thì phải suy nghĩ khác vì xã hội cũng là một mục tiêu ưu tiên, dù không bằng môi trường.

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Muôn kiểu xâm hại rừng (Kỳ cuối): Chuyên gia hiến kế phát triển rừng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới