Mục tiêu trồng mới 20.000 ha rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu
Để phát triển bền vững rừng vùng ven biển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, trồng mới 20.000 ha rừng.
Theo đó, kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đề án được xây dựng với mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030; phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Đề án nhấn mạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đặc biệt chú trọng việc khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, bao gồm: 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng mới 11.000 ha.
Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, bao gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.
Vì vậy, Đề án xác định thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành; nghiên cứu, lựa chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ quản lý, giám sát.
Một trong các giải pháp thực hiện đề án là tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, cần xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng ĐBSCL.
Trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển.
Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ hệ sinh thái
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với 3 mối đe dọa về môi trường, bao gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi huy động "nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất".
Với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái - Ecosystem Restoration", Ngày Môi trường thế giới năm 2021 vừa qua được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm truyền tải thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định: "Thập kỷ phục hồi là một lời kêu gọi hành động toàn cầu, sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính". Ông cho rằng, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.
Lan Anh (T/h)