'Môi trường bị ô nhiễm bởi chất độc hại khác, không phải thủy ngân'
Trao đổi với PV, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: “Cái chính bây giờ là phải xử lý môi trường, vì môi trường đang bị ô nhiễm bởi các chất độc hại khác chứ không phải thủy ngân”.
Vụ cháy nổ ngày 28/8 đã thiêu rụi 6.000m2 kho chứa sản phẩm. Trong đó có hơn 4 triệu sản phẩm bóng đèn bị thiêu rụi, gồm: bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn compact, bóng đèn tròn, nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại.
Trước đó, theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016 Công ty chỉ sử dụng viên Amalgam để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
Bóng đèn bị cháy trong kho chứa Công ty Rạng Đông. |
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình làm việc với Lãnh đạo Công ty, Công ty thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Thủy ngân. Hàm lượng thuỷ ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1kg đến 27,2kg.
Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tổ chức quan trắc, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng môi trường xung quanh công ty gồm: môi trường không khí (theo các tuyến thủy ngân có thể phát tán), mẫu nước theo dòng thoát ra sông Tô Lịch, các hồ Hạ Đình, hồ Rẻ Quạt, mẫu đất tại nơi xảy ra hỏa hoạn.
Theo đó, kết quả quan trắc cho thấy có 1/12 mẫu nước mặt hàm lượng thuỷ ngân vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch. Với hàm lượng thuỷ ngân trên gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Hàm lượng thuỷ ngân vượt QCVN 08-MT:2015 về chất lượng nước mặt là 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch. |
Có 1 mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài (được xem là môi trường không khí xung quanh tại đô thị) có giá trị Thuỷ ngân vượt QCVN 06:2009/BTNMT về một số chất độc hại trong không khí xung quanh là 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ).
So sánh với tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ cũng cho kết quả hàm lượng thuỷ ngân tại vị trí nêu trên vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính bởi vậy, vụ hỏa hoạn tại kho chứa của Công ty Rạng Đông được cho là “thảm họa thủy ngân”.
Liên quan đến vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, đánh giá về kết quả quan trắc hàm lượng thủy ngân xung quanh nhà máy, ông Khải nhấn mạnh: “Thủy ngân không hề đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ và “Thảm họa thủy ngân” chỉ là của những kẻ không biết gì về thủy ngân”.
Để có khái niệm rõ hơn về thủy ngân cũng như việc mẫu nước tại sông Tô Lịch có nhiễm Thủy ngân ông Khải đưa ra dẫn chứng: “Tôi là người bị nửa kg Thủy ngân đập vào mặt nhưng đến bây giờ tôi vẫn khỏe mạnh. Cái nhiễm độc Thủy ngân chủ yếu không thể bay vào mũi được, bởi vì nó đã có lông mũi chắn, không thể vào mồm được vì khi thủy ngân bay vào nó chạm nước sẽ chuyển thể thành những viên tròn rơi xuống.
Cũng như kết quả đo cho thấy lượng thủy ngân tại sông Tô Lịch tăng gấp 1.3 lần nhưng cụ thể chỉ số là bao nhiêu thì lại không nói. Cho nên đến bây giờ, dù rằng trong nước ở sông Tô Lịch, chỗ cống nước thải của nhà máy Rạng Đông chảy ra có tăng bao nhiêu lần đi chăng nữa thì nó cũng chả là cái gì cả.
Những chỗ khác không phải là nhà máy, nhưng chẳng may bóng đèn bị vỡ, hay người ta đập vỡ bóng đèn để lấy nhôm với đồng, vậy cái hơi thủy ngân ở đấy nó đi đâu? Nó bay hơi rồi nước mưa rơi xuống thì nó chảy ra cống, thế thì các cống khác cũng có thủy ngân. Vậy nên không thể khẳng định cống gần Công ty Rạng Đông có thủy ngân là do nhà máy được, vì trước khi sự việc xảy ra cũng chưa 1 ai đo đạc ở đó”.
Một mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài có giá trị Thuỷ ngân vượt QCVN. |
Bên cạnh đó, TS Khải đưa ra lời khuyên đối với những người ở xung quanh nhà máy hãy quay về. Bởi việc bây giờ không phải chống Thủy ngân mà chống tất cả các khói bụi, từ các chất độc hại đang bám trên tường nhà, cây cối xung quanh, phát sinh ra từ đám cháy. Cần vệ sinh sạch sẽ, mở cửa thoáng mát để bay hết các khí thải ra khỏi nhà.
Về kế hoạch di dời Nhà máy Rạng Đông ra khỏi nội đô, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết: Thành phố đã yêu cầu nhà máy sớm di dời theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, yêu cầu rà soát lại lại tất cả các cơ sở có sử dụng hoá chất độc hại, tăng cường kiểm tra, đánh giá thường xuyên các đơn vị này, tránh các sự việc tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới. |
Theo Thuỳ Dung/Môi trường & Đô thị