Thứ sáu, 22/11/2024 17:12 (GMT+7)
Thứ năm, 13/10/2022 05:50 (GMT+7)

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3]

Theo dõi KTMT trên

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 1
"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 2
"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 3

Ông Trần Viết Ngãi: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, trang 280 có viết "Chủ nghĩa Cộng sản = Chính quyền Xô viết + Điện khí hóa". Để "Điện khí hóa" thì năng lượng đóng vai trò tất yếu, không thể thay thế.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với chính sách phát triển năng lượng của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị nêu rõ phát triển năng lượng vừa là động lực, vừa là hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh, phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 tầm nhìn năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng 7% trong năm 2020 và lên tới khoảng 14% vào năm 2045.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 4

Bên cạnh đó, ngày 13/3/2019, tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 với hai mục tiêu quan trọng đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong đó nêu rõ, chúng ta phải tiết kiệm từ 8 - 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương ứng với tổng lượng năng lượng sơ cấp cả nước đã tiêu thụ vào năm 2014. Đồng thời, chúng ta cần nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 5

Việc thay đổi hành vi sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả của cộng đồng cũng chính là mục tiêu hướng tới xây dựng con người Việt Nam mới, có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Có thể thấy, Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung. Đó là một thành tố chủ chốt trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Để triển khai hiệu quả quyết sách này, bên cạnh nỗ lực tổ chức thực hiện của các cơ quan Trung ương, hành động các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp được coi là nhân tố chủ đạo, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 6
"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 7

Ông Trần Viết Ngãi: Trên thực tế, Việt Nam là nước có tiêu thụ năng lượng vào loại cao và lãng phí bậc nhất thế giới. Trong đó cả hệ số đàn hồi và cả cường độ tiêu thụ năng lượng đều lớn. Ví dụ trên thế giới các nước phát triển 1 đơn vị năng lượng sản sinh ra được 5 đến 7 đơn vị sản phẩm còn ở Việt Nam thì ngược lại 5,7 đơn vị năng lượng mới sản sinh ra được 1 đơn vị sản phẩm.

Theo dữ liệu công bố của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo MJ/USD theo giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 5,94, thấp hơn so với Trung Quốc (6,69) nhưng cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 312) và Ấn Độ (4,73), cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không hiệu quả về mặt năng lượng so với ngay cả các nền kinh tế khác trong khu vực.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 8

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2010, sau đó Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định giao cho một số ngành kinh tế triển khai thực hiện và Bộ Công Thương đã ban hành một số thông tư hướng dẫn. Trong Luật nêu khá đầy đủ các chương, các điều có ý nghĩa sâu sắc đề cập các vấn đề đối với ngành điện, ngành than, ngành dầu khí, năng lượng tái tạo, trong đó có cả các giải pháp, cơ chế chính sách để triển khai thực hiện...Tuy nhiên, đã 12 năm tính từ thời điểm Luật có hiệu lực nhưng kết quả thực thi rất hạn chế, chưa đạt được như kỳ vọng.

Thực trạng sử dụng năng lượng tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò của tiết kiệm năng lượng, nhưng từ nhận thức đến hành động vẫn còn có khoảng cách lớn. Bên cạnh đó vẫn còn không ít doanh nghiệp thực hiện các quy định theo kiểu đối phó, chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả mà tiết kiệm năng lượng mang lại cho doanh nghiệp. Vì vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vẫn còn rất lớn, ước tính khoảng 20-30%.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 9

Một trong những giải pháp quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là làm chủ và ứng dụng các công nghệ hiện đại. Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn quá nhiều năng lượng nhưng kết quả đạt được lại rất thấp.

Về phía người dân, mặc dù đã hiểu được lợi ích của tiết kiệm năng lượng, nắm bắt được các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, nhưng để thay đổi thói quen sử dụng điện của người dân là cả một chặng đường dài.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 10
"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 11

Ông Trần Viết Ngãi: Về mặt chính sách, hàng năm, Chính phủ cần giao chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng về các Bộ, ngành ở Trung ương, các Chủ tịch UBND ở địa phương trên toàn quốc thực hiện tiết kiệm năng lượng từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Chỉ tiêu hàng năm tăng dần từ 2 tiến tới 5, 7, 14% và trên mức đó nữa, như Nghị quyết 55 - Bộ Chính trị đề ra. Ví dụ, chỉ cần tiết kiệm 3% điện thương phẩm cho khoảng 230 tỷ kWh thì mỗi năm tính riêng cho ngành điện đã tiết kiệm được khoảng trên 3 tỷ đồng.

Địa phương nào thực hiện được chỉ tiêu Chính phủ giao hàng năm sẽ được thưởng bằng nhiều hình thức; địa phương nào không thực hiện được sẽ bị phạt từ mức cảnh cáo, cách chức và cao hơn có thể xem xét truy cứu hình sự nếu vi phạm mức độ nặng, làm tổn hại đến kinh tế xã hội.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 12

Việc triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các địa phương còn nhiều khó khăn do sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ; nguồn vốn triển khai hoạt động tại các địa phương còn hạn chế.

Muốn thực thi hiệu quả, mỗi Bộ, ngành, địa phương cần có bộ giúp việc để điều hành, giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện tiết kiệm năng lượng hàng năm của từng địa phương mình từ các doanh nghiệp, cho tới các hộ dân. Ngoài ra, Nhà nước cần tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời nâng cao năng lực công tác truyền thông, cũng như có các giải pháp hỗ trợ đầu tư vốn cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Về phía doanh nghiệp, cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao những công nghệ tiên tiến về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, truyền tải điện năng, nhất là những công nghệ hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đẩy mạnh việc loại bỏ những trang thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng kém hiệu quả.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 13

Thực tế đã chứng minh, những biện pháp loại bỏ công nghệ lạc hậu được áp dụng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã góp phần đáng kể vào việc giúp Việt Nam tiết kiệm 3,4% tổng tiêu thụ năng lượng (tương đương 4,9 triệu tấn dầu quy đổi) trong giai đoạn 2006-2010; và 5,65% (tương đương 11,2 triệu tấn dầu quy đổi) cho giai đoạn 2011-2015.

Để sử dụng hiệu quả năng lượng, bên cạnh việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất năng lượng và tiêu dùng năng lượng, cần quan tâm đến dịch chuyển cơ cấu năng lượng sang những loại hình năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và điện hạt nhân, đồng thời áp dụng một cách thức điều hành thông minh từ những công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc ngành/lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng, luyện kim, cũng như doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm là đối tượng cần đặc biệt quan tâm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc triển khai hiệu quả sử trong sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp không những làm gia tăng năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường mà còn trực tiếp tác động đến việc hoàn thành mục tiêu tiết kiệm năng lượng.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 14

Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, cần xây dựng và vận hành quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ sẽ là nơi cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường.

Về phía người dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng thúc đẩy sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường thông qua việc thực hiện các chương trình cụ thể trên địa bàn cả nước. Nói như vậy để thấy rằng, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

"Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3] - Ảnh 15

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), trong thời gian sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, rà soát, xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể là rà soát và kiến nghị một số nội dung để sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ hai, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp Luật tới các doanh nghiệp, các địa phương trên toàn quốc. Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương và các cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại các doanh nghiệp. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành về các giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng để giúp cho doanh nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của doanh nghiệp.

Thứ tư, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi các cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế các dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả sử dụng công nghệ cao hơn.​

Với sự tích cực từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự nỗ lực và nhận thức của chính doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng rằng, hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam sẽ nâng cao trong thời gian tới.

Thực hiện: Hoàng Hải
Thiết Kế: Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết "Mỗi người dân phải có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia" [Bài 3]. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới