Miền Trung: Nhiều giải pháp ứng phó với khô hạn khốc liệt
Gần 2 tháng nay, các tỉnh, thành miền Trung nắng nóng diễn ra gay gắt khiến tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Tại TP.Đà Nẵng hiện dung tích nước trong các hồ thủy lợi trên địa bàn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí mực nước tại một số hồ chứa đã sát với ngưỡng cống. Cùng với đó, tình hình xâm nhập mặn trong những tháng còn lại của mùa khô năm nay được dự báo là rất mạnh, độ mặn sẽ tương đương với năm ngoái. Hiện các đơn vị chức năng đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để bảo đảm cấp nước tưới, trong đó chú trọng việc sử dụng nước hợp lý.
Nông dân vùng rau La Hường (Đà Nẵng) chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn như mướp, bầu, bí... ứng phó với khô hạn. |
Để chủ động chống hạn, ông Nguyễn Đình Khánh Vân- Chủ tịch Hội Nông dân TP.Đà Nẵng cho biết, căn cứ vào dự báo của trung tâm khí tượng thủy năng, các địa phương sẽ triển khai bố trí lịch gieo sạ, cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, tránh tình trạng bố trí giống dài ngày lẫn lộn với giống trung ngắn ngày trong một cánh đồng làm ảnh hưởng đến lịch cấp nước gây lãng phí nước.
Với huyện Hòa Vang, các đơn vị vận động nhân dân chuyển đổi sử dụng giống lúa dài ngày sang giống trung, ngắn ngày (HT1, OM4900, HM6,...) nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tiết kiệm nước tưới và hạn chế thiệt hại do mưa lũ cuối vụ. Để điều tiết nước hợp lý, các đơn vị phối hợp HTX dịch vụ tưới tăng cường công tác quản lý nước, thường xuyên kiểm tra công trình kênh mương, đồng ruộng. Những khu tưới có điều kiện thì tổ chức áp dụng tưới tiêu theo phương pháp khoa học theo công thức tưới nông- lộ- phơi để tiết kiệm nước năng cao nâng suất cây trồng.
Tại vùng rau tại quận Cẩm Lệ (vùng rau La Hường), nông dân thường có thể chủ động về nguồn nước, với những nơi khô hạn, họ đào đặt những trạm bơm dã chiến để khô đến đâu tưới đến đó. Tuy vậy, nguồn nước của người dân thường bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn là chính.
"Khi hạn mặn đến thì việc hút nước tưới cây của người dân cũng bị ảnh hưởng. Vừa rồi lại thêm nắng hạn, cây trồng sẽ chết, nên ảnh hưởng đến năng suất. Sắp tới, Hội Nông dân các cấp cũng sẽ kiến nghị các cơ quan hỗ trợ giống cho bà con để khôi phục sản xuất"- ông Vân cho hay.
Thời điểm này mới vào đầu mùa khô nhưng tại 73 hồ chứa thủy lợi trong toàn tỉnh Quảng Nam, hiện tổng lượng nước thiếu so với quy trình khoảng 74 triệu m3. Đối với các hồ thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu m3. Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực hết mình xây dựng các công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu.
Nhân viên trạm bơm Ái Nghĩa phải túc trực 24/24 để vận hành nước tưới cho bà con. |
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, nhiễm mặn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các sở - ban - ngành liên quan và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nắm rõ tình hình thủy lợi nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước hết sức tiết kiệm, có hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chỉ đạo vận hành tích nước ở các hồ chứa phù hợp, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh; đảm bảo an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước.
Các địa phương, đơn vị theo dõi lịch thời vụ và cơ cấu sử dụng các bộ giống ngắn ngày, trung ngày trong sản xuất nông nghiệp năm 2020; vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sản xuất cây trồng cạn để hạn chế sử dụng nước tưới hiệu quả; đặc biệt tại các đồng ruộng thường xuyên thiếu nước tưới.
“Đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm lấy nước trên các sông phải thường xuyên quan trắc độ mặn để thực hiện vận hành các trạm bơm đảm bảo, hợp lý; tuyệt đối không bơm nước có nồng độ mặn vượt mức cho phép vào đồng ruộng. Đối với trạm bơm lấy nước trên các sông thường xuyên bị nhiễm mặn như Thu Bồn, Vĩnh Điện... chủ động triển khai các giải pháp ngăn không cho mặn xâm nhập vào bể hút trạm bơm điện, tuyệt đối không vận hành bơm tưới cho cây trồng khi nồng độ mặn hơn 0,8‰...”, ông Lê Trí Thanh chỉ đạo.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Quảng Ngãi nhận định tình hình khô hạn năm nay sẽ khốc liệt hơn năm 2019. Hiện lượng nước tại 124 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, khoảng 6.670ha diện tích cây trồng có khả năng bị hạn nặng, 7.450 người thiếu nước sinh hoạt và gần 9.000 vật nuôi thiếu nước uống.
Diện tích trồng hành ở Lý Sơn sụt giảm đáng kể do không có nước tưới. |
Tại huyện đảo Lý Sơn, nắng nóng khốc liệt đã khiến diện tích trồng hành sụt giảm đáng kể. Hiện chỉ có 40ha được xuống giống vụ này, giảm đến 60% so với những vụ trước. Một số hộ chọn cách giảm diện tích canh tác, một số khác sau khi thu hoạch xong vụ hành đầu tiên của năm 2020 thì quyết định không trồng tiếp bởi tình hình nguồn nước khan hiếm, cây hành khó sống nổi.
Trước tình hình này, Sở đã đề nghị bà con chủ động chuyển đổi cơ cấu chuyển sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày chịu hạn, trồng trên những vùng đất cao để rễ khỏi ăn sâu, khỏi bị nhiễm mặn, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương phải nhanh chóng sửa chữa kênh mương, cửa cấp hư hỏng để tránh thất thoát nguồn nước phục vụ vụ Hè - Thu sắp đến.
Ngoài ra, Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi cũng tham mưu tỉnh xin Trung ương phân bổ nguồn kinh phí 150 tỷ đồng để phòng, chống hạn.
Lan Anh