Miền Bắc sẽ đón mưa dông trong hai ngày cuối tuần
Đợt nắng nóng trong những ngày gần đây sẽ chấm dứt do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão Doksuri. Mưa dông ở Bắc Bộ có khả năng còn kéo dài đến ngày 2/8.
Miền Bắc đang trong ngày nắng nóng cuối cùng của đợt nắng nóng diện rộng cuối tháng 7. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa dông ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2/8; Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ chấm dứt nhờ có mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của rãnh áp thấp đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão Doksuri.
Từ chiều tối ngày 28-29/7, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 100mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm). Từ ngày 30/7, mưa lớn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ giảm dần.
Từ chiều tối và tối ngày 28/7, khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Do tác động của mưa lớn, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Ngoài ra, từ nay đến 1/8 sẽ có một đợt nóng khá gay gắt ở khu vực ven biển các tỉnh miền Trung. Phía Tây các tỉnh miền Trung, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ thường có mưa dông vào buổi chiều. Trong nửa đầu tháng 8, thời tiết tiếp tục khô hạn, nắng nóng, ít mưa ở khu vực Bắc Trung Bộ, ven biển miền Trung, và Nam Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 2, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông có gió cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao 5 - 8 m; ngày và đêm 28.7, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, sóng biển cao 3 - 5,5 m.
Về tình hình thủy văn, mực nước sông Hồng tại Hà Nội và mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thuỷ triều.
Lúc 7h ngày 28/7, mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 1,30m; trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 0,10m.
Theo dự báo, đến 7h ngày 29/7 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 1,50m; trong 36h tới mực nước tại Phả Lại cao nhất có khả năng ở mức 0,8m và thấp nhất ở mức 0,25m. Mực nước các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.
Mực nước cao nhất ngày 27/7 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,61m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,68m.
Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều. Đến ngày 31/7 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,75m tại Châu Đốc ở mức 1,85m.
Nhận định về những diễn biến mưa bão thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, dự báo từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam (đã bao gồm cả cơn bão số 1).
Thời gian bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tập trung vào khoảng thời gian từ nay đến tháng Chín; từ tháng 10-12/2023 tại khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam.
“Xu thế biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết sẽ ngày càng cực đoan và có biến động không ngừng. Do đó các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ,” ông Lâm nhấn mạnh.
Lan Anh