Thứ năm, 25/04/2024 20:41 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 06:10 (GMT+7)

Miền Bắc sẽ còn chịu tác động của bao nhiêu đợt không khí lạnh hiếm gặp?

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, cường độ của đợt không khí lạnh này khoảng cấp 6, giật cấp 7-8 là đợt không khí lạnh ít gặp, xuất hiện theo chu kỳ khoảng 10 năm/lần. Sau đó, miền Bắc có thể chịu thêm tác động của các đợt không khí lạnh yếu.

Không khí lạnh hiếm gặp xuất hiện theo chu kỳ khoảng 10 năm/lần

Thông tin về đợt không khí lạnh hiếm gặp sẽ tăng cường tại miền Bắc vào khoảng ngày 14/5 tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết, trong thời gian tới, ở các tỉnh miền Bắc sẽ có các đợt mưa rào và dông. Đợt mưa dông sẽ kéo dài từ nay đến ngày 16/5.

Trong khoảng từ ngày 11-14/5, trước khi không khí lạnh tác động sẽ có các đợt mưa vừa, mưa to ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ. Sau đó, sang ngày 14/5 sẽ có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc.

Theo nhận định của Trưởng phòng Dự báo khí hậu, đợt không khí lạnh lần này có khả năng gây ra gió mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ có gió cấp 6. So sánh gió mạnh với diễn biến thời tiết, cơ quan khí tượng nhận định đợt lạnh này tương tự như đợt lạnh tháng 5/2011, tức là cứ khoảng 10 năm thì hiện tượng này lặp lại một lần.

Miền Bắc sẽ còn chịu tác động của bao nhiêu đợt không khí lạnh hiếm gặp? - Ảnh 1
Trong đợt không khí lạnh hiếm gặp sắp tới, nhiệt độ sẽ xuống thấp nhưng không dưới 20 độ. (Ảnh minh họa)

Ông Hưởng cho biết, đối với đợt không khí lạnh này, việc giảm nhiệt không đáng ngại. Nhưng Trung tâm Khí tượng cảnh báo, trên đất liền sẽ gây ra mưa diện rộng ở Bắc Bộ sau đó lan rộng đến miền Trung, nhất là trong ngày 15-16/5, có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất, giông lốc sét, mưa đá.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho hay, không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta trong tháng 5 không có gì đặc biệt vì năm nào cũng có. Tuy nhiên cường độ của đợt không khí lạnh sắp tới khoảng cấp 6, giật cấp 7-8 là đợt không khí lạnh ít gặp. So sánh trong chuỗi số liệu cho thấy, chu kỳ lặp lại một đợt không khí lạnh mạnh như vậy trong tháng 5 là 10 năm.

“Từ năm 1981, qua quan sát của chúng tôi có một số lần nhiệt độ ở Hà Nội đã xuống dưới 20 độ trong tháng 5”, ông Hưởng cho hay.

Về nhiệt độ, cơ quan khí tượng đã thống kê từ năm 1981 đến nay, ở Hà Nội có một số lần nhiệt độ thấp dưới 20 độ trong tháng 5. Dự báo đợt không khí lạnh sắp tới, nhiệt độ ở Hà Nội ít có khả năng xuống dưới 20 độ, do vậy đây có thể không phải là đợt lạnh kỷ lục trong tháng 5.

Ngoài ra, sau đợt không khí lạnh giữa tháng 5, miền Bắc có thể chịu thêm tác động của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa rào và dông ở Bắc Bộ và miền Trung.

Do tác động của không khí lạnh nên từ nay đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, xu hướng nhiệt trung bình của cả nước vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 và 8 là giai đoạn nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ ở mức cao nhất trong năm. Đây cũng là khoảng thời gian xảy ra các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt của năm.

Nắng nóng sẽ xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ, tập trung vào nửa cuối tháng

Trong khoảng nửa đầu tháng 5/2022, MJO có khả năng góp phần gia tăng mưa cho khu vực phía Nam Việt Nam. Rãnh thấp xích đạo hoạt động trên vùng biển phía Nam Biển Đông và có khả năng hình thành các vùng nhiễu động trên dải thấp xích đạo này.

Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, tập trung vào nửa cuối tháng, tuy nhiên số ngày nắng nóng trong tháng có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm.

Cũng trong tháng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông. Trong cơn dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Tổng lượng mưa tháng 5/2022 tại phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm phổ biến từ 5-15%; các nơi khác có tổng lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-40%, riêng Tây Nguyên - Nam Bộ có nơi trên 60%.

Nhiệt độ trung bình tháng 5/2022 trên cả nước phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C, riêng tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nơi thấp hơn từ 1,0-1,5 độ C.

Cụ thể, trong thời kỳ 10 ngày đầu tháng (1-10/5/2022), đặc biệt là những ngày đầu tháng 5/2022, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chịu ảnh hưởng của một đợt Gió mùa Đông Bắc. Tại các khu vực phía Nam, chịu ảnh hưởng của dải áp thấp có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc nối với vùng áp thấp trên khu vực Nam Biển Đông và hoạt động mạnh dần. 

Tổng lượng mưa trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 40-60%, có nơi cao hơn. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức thấp hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn từ 2,0-2,5độ C, có nơi thấp hơn.

Tại thời kỳ 10 ngày giữa tháng (11-20/5/2022), nhiệt độ trung bình phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0độ C, riêng Bắc Bộ có nơi thấp hơn từ 1,0-1,5độ C. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Đông Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các nơi khác có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-25%,  khu vực Tây Bắc có nơi trên.

Trong thời kỳ 11 ngày cuối tháng (21-31/5/2022), nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 0-0,5độ C so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-25%; các nơi khác có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Miền Bắc sẽ còn chịu tác động của bao nhiêu đợt không khí lạnh hiếm gặp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.