Thứ sáu, 26/04/2024 18:08 (GMT+7)
Thứ tư, 03/07/2019 06:00 (GMT+7)

Mẹo xử trí nhanh dị ứng hải sản

Theo dõi KTMT trên

Hải sản là thực phẩm giàu dinh dưỡng và được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp dị ứng hải sản đã xảy ra. Nếu không được xử trí kịp thời, dị ứng có thể nguy hiểm tính mạng.

Theo BS Lê Thị Hải - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng như: cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ, sò, mực, ốc… Đã có rất nhiều trường hợp sau khi ăn bị dị ứng, thậm chí ngộ độc.

Mẹo xử trí nhanh dị ứng hải sản - Ảnh 1
Những loại hải sản dễ gây dị ứng là tôm, cua, hàu,... - Ảnh minh họa

Dị ứng hải sản là gì ?

Dị ứng hải sản là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với protein của một số hải sản nhất định. Các hải sản dễ gây dị ứng bao gồm các động vật như tôm, cua, hàu và tôm hùm, cũng như bạch tuộc, mực và sò điệp...

Có người bị dị ứng với tất cả các loại hải sản, những người khác chỉ phản ứng với một số loại nhất định. Các phản ứng có thể từ các triệu chứng nhẹ như phát ban hoặc nghẹt mũi đến triệu chứng nặng và thậm chí đe dọa tính mạng.

Hải sản là thực phẩm dễ gây dị ứng

Hải sản chứa nhiều loại protein bổ dưỡng, nhưng cũng có những protein "lạ", khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng. Chất gây dị ứng có trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn.

Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn. Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra histamin. Histamin sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (histamin phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở; phóng ra ở ruột thì gây đau bụng, tiêu chảy; phóng ra trên da sẽ gây ngứa, mề đay...).

Biểu hiện của dị ứng hải sản

Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ chục phút. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể.

Mẹo xử trí nhanh dị ứng hải sản - Ảnh 2
Dị ứng hải sản diễn ra rất phổ biến - Ảnh minh họa

Trường hợp dị ứng nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu. Bình thường vài giờ sau, các triệu chứng sẽ giảm và hết dần. Cũng có trường hợp có các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất. Người bị nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy...

Các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản. Biểu hiện dị ứng trên đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp... Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cách xử trí khi bị dị ứng hải sản?

Theo ThS.BS Đông Y Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện 108) khi biết dị ứng, ngộ độc hải sản trước hết cần loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, nhất là sau bữa ăn 1-2 giờ bằng cách gây nôn.

Bên cạnh đó, có thể áp dụng biện pháp sơ cứu như uống nhiều nước, những bài thuốc dân gian để trị bệnh như cho uống nước cam, chanh, trà gừng hoặc dùng gừng kết hợp với đậu xanh, lá tía tô để nấu ăn cũng rất tốt sẽ giúp trung hòa bớt độc tính.

Mẹo xử trí nhanh dị ứng hải sản - Ảnh 3
Mật ong được xem là cách chữa chứng dị ứng với hải sản tốt nhất - Ảnh: Shutterstock

Trường hợp nặng phải đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để dùng các loại thuốc chống dị ứng và điều trị thích hợp. Đặc biệt, không được sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Mỗi ngày nên uống từ 1,5-2 lít nước sẽ làm giảm các triệu chứng về dị ứng.

Đối với một phản ứng dị ứng nhẹ (mày đay cấp, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi...), chỉ cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin... để giảm triệu chứng. Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm, nhưng bệnh nhân phải không gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề.

Với các biểu hiện dị ứng hải sản nặng hơn thì cần phối hợp thuốc kháng histamin như trên để loại bỏ nhanh các triệu chứng dị ứng kết hợp vài loại thuốc uống hoặc tiêm, truyền, theo chỉ định của bác sĩ.

Để tránh bị dị ứng hải sản, những người đã bị dị ứng với một loại hải sản nào đó nên tránh ăn lại và loại trừ tất cả những món ăn mà thành phần có loại hải sản này. Khi đã bị dị ứng với một loại hải sản cũng nên thận trọng khi ăn các đồ biển khác vì có thể bị dị ứng chéo. Nên ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng phải ngừng lại ngay.

Lưu ý khi ăn hải sản để hạn chế dị ứng, ngộ độc

- Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn.

- Nên nấu chín các thực phẩm dễ gây dị ứng để hạn chế được tác dụng gây dị ứng.

- Sau khi ăn hải sản không ăn ngay trái cây vì ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản. Hơn nữa lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và canxi tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn…

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Mẹo xử trí nhanh dị ứng hải sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới