Malaysia quyết trả lại 150 container rác thải nhựa cho các nước giàu
Malaysia thông báo đã gửi trả lại 150 container rác thải nhựa, có tổng trọng lượng khoảng 3.737 tấn, cho 13 quốc gia, hầu hết là nước phát triển.
Ngày 20/1, chính quyền Malaysia thông báo đã gửi trả lại 150 container rác thải nhựa, có tổng trọng lượng khoảng 3.737 tấn, cho 13 quốc gia, hầu hết là nước phát triển cùng với cảnh báo không thể biến nước này thành thùng rác của thế giới.
Trong số 150 container nói trên, 43 thùng đã được trả về Pháp, 42 thùng về Anh, 17 thùng trở lại Mỹ, 11 thùng cho Canada, 10 về Tây Ban Nha và phần còn lại đến Nhật Bản, Singapore, Bồ Đào Nha, Trung Quốc...
Bộ trưởng Bộ Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cho biết, 110 container rác khác từ Mỹ, Bỉ, Canada, Nhật Bản sẽ được trả lại vào giữa năm nay. Đây là một phần cuộc chiến ngăn chặn nạn buôn bán chất thải. Thời gian qua, nước này đã đóng cửa hơn 200 nhà máy tái chế nhựa bất hợp pháp.
Chi phí vận chuyển gửi trả do các hãng tàu và công ty nhập khẩu và xuất khẩu chất thải phải chịu trách nhiệm. Chính phủ Malaysia sẽ khởi động kế hoạch hành động để ngăn chặn triệt để nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp vào tháng tới, giúp các cơ quan khác nhau phối hợp thực thi và đẩy nhanh quá trình trả lại chất thải.
Bộ trưởng Yeo khẳng định Malaysia sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quốc gia này không trở thành "bãi rác của thế giới".
Theo bà, là một bên tham gia Công ước Basel, Malaysia cũng áp dụng những quy định nghiêm ngặt theo chương 4 (11) của Công ước nêu rõ tất cả hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa hỗn hợp phải đảm bảo việc vận chuyển rác thải xuyên biên giới được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Công ước Basel là thỏa thuận môi trường quốc tế toàn diện nhất về vấn đề rác thải độc hại và các loại rác thải khác.
Từ năm 2018, khu vực Đông Nam Á trở thành điểm đến của những container rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển như Mỹ và Anh sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu mọi loại rác thải thuộc nhóm này do lo ngại các tác động về môi trường.
Sau lệnh cấm, các doanh nghiệp tái chế của Trung Quốc đã chuyển sang hoạt động tại Malaysia, kéo theo các container rác thải cũng chuyển hướng về quốc gia này mà không có giấy phép hợp lệ, đồng thời khiến các cộng đồng dân cư nhỏ tại đây ngập trong rác thải nhựa.
P.V