Lý do biển sợ nóng, chuyển màu đỏ? Điều thú vị về biển mà có thể bạn chưa biết
Biển vốn ẩn chứa nhiều bí ẩn mà con người vẫn chưa giải đáp được. Vậy thì hôm này cùng tìm hiểu vì sao nước biển lại có thể biến thành màu đỏ và biển lại rất sợ nóng nhé!
Vì sao nước biển biến thành màu đỏ?
Năm 1971, vào một buổi sáng sớm ngư dân ở vùng biển Kagosin (Nhật Bản) bỗng chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ, chỉ trong một đêm nước biển đang từ màu xanh chuyển sang màu đỏ. Tin tức truyền đi rất nhanh, dân chúng ở các vùng kéo nhau đến bờ biển Kagosin ngắm cảnh đẹp hiếm có, ai cũng tấm tắc khen. Họ đâu biết rằng, đó không phải là một cảnh đẹp mà là một tai hoạ lớn. Chẳng bao lâu, gió từ biển khơi đưa vào mùi tanh nồng rồi xuất hiện vô số cá chết nổi trôi dạt vào bờ biển. Đến lúc đó ngư dân vùng biển Kagosin mới hiểu rằng nguồn sống của họ sẽ bị cạn kiệt.
Chuyện gì xảy ra vậy? Đó là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và phân hoá học ở đồng ruộng đã hoà lẫn với nước mưa chảy ra biển Kagosin. Lẽ ra nước sông, nước ruộng chảy ra biển đem theo các chất hữu cơ và dinh dưỡng như các hợp chất của nitơ, photpho, cacbon với tỷ lệ thích hợp sẽ có ích cho biển. Nhưng các chất dinh dưỡng đó quá nhiều khiến nước biển bị bão hoà, chúng tiêu hoá hết khí oxy hoà tan trong nước biển khiến tôm cá không còn oxy để thở, ngược lại các sinh vật phù du như tảo sinh sôi rất nhanh. Màu đỏ của nước biển chính là màu của một loại tảo. Do các loại tảo có màu khác nhau nên có khi nước biển chuyển thành màu vàng hoặc màu xanh lá cây.
Nước biển đỏ là kẻ thù lớn của nghề cá. Biển ở đâu xuất hiện màu đỏ, cá ở đó sẽ bị chết vì ngạt thở, không những thế hiện tượng nước biển đỏ xuất hiện không ngắn như ảo ảnh ở biển mà tồn tại khá lâu, có nơi kéo dài tới hơn 1700 ngày như vùng biển Nhật Bản.
Tháng 8/1978, vùng biển Bột Hải ở Trung Quốc cũng xuất hiện hiện tượng nước biển đỏ trên một diện tích 560 km2 suốt hơn 20 ngày. Các nhà khoa học đã kết luận đó là do nguồn nước thải ra từ thành phố Thiên Tân và Bắc Kinh gây ra. Qua đó có thể thấy rằng, hiện tượng nước biển đỏ không phải lây lan từ nước khác sang mà là "sản phẩm" của chính những nước không biết bảo vệ môi trường biển.
Muốn phòng ngừa hiện tượng nước biển đỏ, con người nhất thiết phải giảm bớt việc đổ các chất hữu cơ và các chất giàu dinh dưỡng ra biển.
Vì sao biển sợ nóng?
Năm 1969 nước Mỹ xây dựng một nhà máy điện nguyên tử trên bờ vịnh Bistan. Trước khi xây dựng nhà máy, thuỷ triều lên theo hướng tây nam và xuống theo hướng đông bắc. Nhưng sau khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, mỗi phút có hơn 2000m3 nước làm mát xả ra biển khiến thuỷ triều ở bờ vịnh Bistan thay đổi theo hướng ngược lại. Không những vậy, nước nóng do nhà máy xả ra đã làm cho khắp một vùng biển rộng lớn 60 ha vốn có nhiệt độ mặt nước 30 - 310C tăng lên tới 33 - 350C, trong đó có 10 - 12 ha mặt biển nhiệt độ lên tới 35 - 360C. Xung quanh ống xả nước nóng nhiệt độ lên cao tới 400C. Nói chung có khoảng hơn 900 ha mặt biển bị nóng lên do nước xả của nhà máy điện nguyên tử. Trong khu vực 10 - 12 ha nóng nhất hầu như không tìm thấy bất kỳ loại động thực vật nào. Các loại tảo thường thấy như tảo xanh, tảo đỏ, tảo tím đều bị tuyệt diệt, chỉ còn sót lại loại tảo xanh lam. Ở các vùng nước nóng khác, các loài động thực vật biển cũng giảm đi nhiều, nhất là vào mùa hè người ta thường thấy xác tôm và cua nhỏ chết nổi trên mặt nước.
Lý do là gì?
Đó là vì nhiệt độ nước lên cao làm giảm lượng khí oxy hoà tan trong nước, ảnh hưởng tới quá trình thay đổi tế bào của động thực vật. Các sinh vật quen sống ở nước biển có nhiệt độ bình thường, khi nước biển nóng lên, chúng sẽ chết hoặc chạy trốn tới vùng nước khác mát hơn. Một số loại cá do nhiệt độ nước biển tăng cao đã không tìm được tới nơi đẻ trứng thích hợp hoặc bị nhầm lẫn thời gian và địa điểm nên không thực hiện được việc đẻ trứng di truyền nòi giống. Nhiệt độ nước biển lên cao khiến các sinh vật thích ấm áp sinh sôi nảy nở nhanh chóng, trong khi đó các loại tôm, cá, trai, sò,... có giá trị kinh tế lại giảm đi nhanh, dẫn đến phá vỡ môi trường sống trong vùng biển đó. Những hiện tượng như vậy thường xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng lên trên 40C so với mức bình thường và người ta gọi là sự ô nhiễm nóng. Trong thực tế có khi không cần nước nóng đến như vậy cũng đủ gây ra hiện tượng ô nhiễm nóng.
Ô nhiễm nóng chủ yếu là do các nguồn nước làm mát thiết bị, máy móc xả ra, trong đó chủ yếu là của ngành công nghiệp điện lực. Các ngành công nghiệp khác như luyện kim, hoá chất, dầu mỏ, cơ khí... cũng góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm nóng, nhưng hậu quả của ngành công nghiệp điện lực là đáng lưu ý nhất. Hiện nay sản lượng điện của toàn thế giới mỗi năm tăng 7,2%, khoảng 10 năm sau sẽ tăng gấp đôi.
Ô nhiễm nóng biển đôi khi cũng mang lại lợi ích nhất định. Ví dụ về mùa đông nhiệt độ nước biển tăng lên giúp cho một số loài cá đỡ bị rét cóng. Nhưng xét cho cùng thì lợi ít hại nhiều. Vì vậy nói chung vẫn nên tìm cách ngăn chặn hiện tượng này. Đã có những đề xuất dùng ống dẫn dài xả nước làm nguội máy ra vùng biển xa bờ, hoặc hút nước lạnh ở đáy biển để làm nguội máy. Những phương án này có hiệu quả hay không còn chờ thực tế trả lời.
Nhật Hạ