Lượng khí thải CO2 giảm kỷ lục do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Lượng phát thải CO2 có thể giảm hơn 5% so với năm trước. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ mức giảm 1,4% sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Hoạt động công nghiệp giảm từ đầu năm đến nay khiến lượng CO2 toàn cầu giảm (Ảnh: GETTY IMAGES) |
Người đứng đầu Dự án carbon toàn cầu, ông Rob Jackson, ngày 3/4 cho biết lượng khí thải CO2 trong năm nay có thể giảm kỷ lục trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát, khiến cho nền kinh tế thế giới bị đình trệ nghiêm trọng.
Trao đổi với hãng tin Reuters, ông Jackson nhấn mạnh "Tôi sẽ không bị sốc khi chứng kiến lượng khí thải CO2 giảm ở mức 5% hoặc hơn thế trong năm nay, điều chưa từng xảy ra kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế chiến thứ hai."
Cũng theo ông Jackson, nguyên nhân khiến lượng phát thải CO2 giảm có liên quan đến việc dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu, khiến cho các nhà máy đóng cửa hàng loạt, các hãng hàng không toàn cầu ngừng hoạt động, gần 4 tỉ người trên thế giới phải ở nhà để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Trung Quốc là trung tâm của đại dịch lần này, đồng thời cũng là nước thải ra lượng carbon lớn nhất thế giới.
Theo nghiên cứu của tổ chức khí hậu phi lợi nhuận Carbon Brief, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, lượng CO2 thải ra môi trường của Trung Quốc giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương giảm 200 triệu tấn).
Hoạt động công nghiệp gián đoạn không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác là nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đã dự đoán rằng còn quá sớm để ước tính dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến lượng khí thải. Bởi khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đẩy thế giới vào suy thoái, lượng khí thải carbon đã giảm xuống.
Cụ thể, theo tổ chức Dự án Carbon Toàn cầu, lượng khí thải carbon trên toàn cầu năm 2009 đã giảm từ 32 giga tấn (Gt) xuống 31,5 Gt. Nhưng khi kinh tế thế giới phục hồi, lượng khí thải lại tăng lên 33,2 Gt vào năm 2010 và ước lên đến 36,8 Gt vào năm 2019, mức cao kỷ lục.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng nếu không có sự thay đổi về cơ cấu, sự suy giảm lượng khí thải CO2 sẽ không được duy trì lâu dài và lượng khí này vốn tích tụ trong bầu khí quyền trong nhiều thập kỷ qua cũng sẽ không giảm bớt.
Mai Anh