Lượng băng tan tại Greenland có thể không song hành với sự nóng lên của khí hậu?
Nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy, sự nóng lên của khí hậu và sự mất đi của những tảng băng tại Greenland có thể không phải luôn song hành với nhau.
Greenland được biết đến với tảng băng khổng lồ với độ cao lên đến 3.000m so với mực nước biển. Sự tan chảy nhanh chóng của tảng băng này có thể là nguyên nhân hàng đầu làm tăng mực nước biển toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, bao quanh tảng băng khổng lồ này, bao phủ 79% hòn đảo lớn nhất thế giới, là đường bờ biển gồ ghề của Greenland rải rác với những đỉnh núi phủ băng.
Các sông băng và chỏm băng ngoại vi này hiện cũng đang bị tan chảy nghiêm trọng do Trái Đất ngày càng nóng lên. Tuy nhiên, sự nóng lên của khí hậu và sự mất đi của những tảng băng này có thể không phải luôn song hành với nhau.
Nghiên cứu hợp tác mới từ Viện Hải dương học Woods Hole và 5 tổ chức đối tác (Đại học Arizona, Đại học Washington, Đại học Bang Pennsylvania, Viện Nghiên cứu Sa mạc và Đại học Bergen), được công bố hôm qua trên Tạp chí Nature Geoscience tiết lộ rằng: Trong các thời kỳ trước đây, các sông băng và chỏm băng ở ven biển phía Tây Greenland có điều kiện khí hậu khác nhiều so với nội địa của Greenland.
Trong 2.000 năm qua, những tảng băng này đã phải chịu đựng thời kỳ ấm lên, trong đó chúng lớn hơn thay vì thu nhỏ lại.
Theo các nhà nghiên cứu, việc khoan lõi băng đã được tiến hành ở Greenland từ giữa thế kỷ 20, thế nhưng các nghiên cứu về lõi băng ven biển vẫn còn rất hạn chế.
Do đó, những phát hiện này đang cung cấp một cái nhìn mới về biến đổi khí hậu so với những gì các nhà khoa học đã hiểu trước đây bằng cách sử dụng riêng lõi băng từ phần bên trong của băng Greenland.
Nguyễn Luận