Thứ sáu, 22/11/2024 12:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/01/2024 06:00 (GMT+7)

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội

Theo dõi KTMT trên

Theo dự kiến kế hoạch xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với hồ sơ dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được Ban soạn thảo, Tổ biên tập thành lập theo Quyết định số 476/QĐ-BTNMT ngày 6/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng; được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; các Hội nghề nghiệp, Hiệp hội khai thác khoáng sản; Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Vào tháng 9/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Kế hoạch số 1915 với nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này. Theo đó, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo Tiểu ban Môi trường và biến đổi khí hậu làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu từ sớm từ xa nhằm phục vụ cho công tác tham mưu với Quốc hội.

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội - Ảnh 1

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội.

Từ ngày 25-30/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Địa chất và khoáng sản để gửi Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định. Trong tháng 1/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình dự án Luật và dự kiến tháng 2/2024, Chính phủ sẽ họp, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, từ tháng 1-3/2024, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ khảo sát thực tế tại một số địa phương và cuối tháng 02 hoặc đầu tháng 03/2024, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Dự kiến, từ ngày 11-15/3/2024, Thường trực Ủy ban sẽ phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến vào dự án Luật này.

Sau Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, thẩm tra dự án Luật Địa chất và khoáng sản. Khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2024 sẽ tổ chức Phiên họp toàn thể của Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án Luật...

Nội dung được VIASEE và Tạp chí Kinh tế Môi trường đặc biệt chú trọng

Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn.

Cụ thể, vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Ngày 18/10/2022, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản số 10/CV-KTMTVN/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Bộ ngành về một số vấn đề liên quan đến Dự án mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

Trong văn bản, VIASEE cho biết, mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng tài nguyên khoáng sản khoảng 540 triệu tấn là mỏ sắt lớn nhất của nước ta và khu vực Đông Nam Á, chiếm khoảng 0,67% trữ lượng quặng sắt được thăm dò và nếu khai thác sẽ là 1 trong 10 mỏ khai thác lộ thiên sâu nhất trên Thế giới. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê Hà Tĩnh (sau đây gọi là Dự án) được triển khai năm 2008 và dừng khai thác năm 2011.

Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nhiệm vụ đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư Dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê Hà Tĩnh, hoàn thành trước năm 2030.

Trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh ngày 11/6/2022 về Dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi”.

Căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ đạo của Thủ tướng, tiếp theo Báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2017 về Dự án, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành có liên quan tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa tại mỏ sắt Thạch Khê, làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan, tổ chức của Hà Tĩnh.

Theo VIASEE, trước khi gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “DỰ ÁN MỎ SẮT THẠCH KHÊ HÀ TĨNH - TIẾP TỤC HAY DỪNG KHAI THÁC?” vào ngày 23/9/2022. Mục đích của Hội thảo là làm rõ hơn cơ sở khoa học của việc tiếp tục hay dừng Dự án. Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ, đại diện UBND tỉnh và Hội Khoa học kinh tế Hà Tĩnh, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam và Chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần sắt Thạch Khê, cùng với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, với hơn 60 đại biểu, trong đó có 8 Giáo sư và 13 Phó Giáo sư.

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội - Ảnh 2
PGS.TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đi khảo sát tại nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông và Alumin Lâm Đồng.

Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên. Năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên. 

VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bauxite Tây Nguyên.

Với tiềm năng và lợi thế rất lớn từ bauxite Tây Nguyên, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. VIASEE sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.

VIASEE góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Vào cuối tháng 10/2023, VIASEE đã có góp ý vào dự thảo lần 2 luật Địa chất và Khoáng sản. 

Cụ thể, tại điều 3 – Giải thích từ ngữ.

- Khoản 1 có ghi tài nguyên địa chất có ‘tài nguyên địa chất tái tạo’.

- Khoản 2 có định nghĩa tài nguyên địa chất tái tạo bao gồm; tài nguyên gió, sóng, thủy triều và bức xạ mặt trời.  Theo chúng tôi, việc đưa ra khái niệm này vừa không đủ và không chính xác vì: các loại tài nguyên đó không trực tiếp sinh ra từ các quá trình địa chất của Trái đất, và thiếu vì nếu coi nó có liên quan đến quá trình địa chất, thì nhiều tài nguyên có liên quan trực tiếp hơn như sinh vật và nước lại không được tính. Hơn nữa các điều khoản khác của Luật này hầu như không đề cập hay liên quan đến các dạng tài nguyên này.

- Khoản 10 cũng cần điều chỉnh lại cho chính xác vì nhiều loại khoáng vật, khoáng chất hiện nay chưa xem là khoáng sản, nhưng trong tương lại sẽ là khoáng sản. Còn gọi tất cả khoáng vật, khoáng chất có ích (nhưng chỉ trong tương lai có công nghệ khả thi để biến nó thành có ích) thì lại quá ôm đồm. Theo chúng tôi, nên thêm vào cụm từ ‘vào thời điểm hiện tại’ vào sau cụm từ ‘khoáng chất có ích’ mới chính xác. Ai cũng nhớ nguyên tố U vào thời điểm bà Mary Curi tìm nguyên tố Ra không được xem là khoáng sản, còn bây giờ là khoáng sản quan trọng; hoặc các nguyên tố rất có giá trị trong nhiều loại đất đá nhưng chưa có công nghệ khai thác có hiệu quả thì vẫn không thể xem là khoáng sản được.

Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội - Ảnh 3
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

- Khoản 16: Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm ‘thu hồi khoáng sản’ … nên sửa lại cho chính xác vì: thuật ngữ ‘thu hồi’ trong tiếng Việt là hành động thu về, thu lại cái đã được đưa ra, đã cấp phát, đã lưu hành hay đã mất vào tay người khác. Nên sửa khoản 16 như sau: “Khai thác khoáng sản là hoạt động lấy ra / lấy được từ mỏ / điểm quặng các khoáng vật và khoáng chất có ích / khoáng sản, bao gồm …”.

- Khoản 17: Khoáng sản độc hại là khoáng sản chứa một trong các nguyên tố U, Th, Hg, As, Pb, nhóm khoáng vật Asbet .. là chưa chuẩn xác vì sự độc hại của các nguyên tố hóa học chúng ta đã biết hết đâu ?. Ví dụ ai dám nói Cs, Ra ít độc hại hơn các nguyên tố và thành phần đã liệt kê trên. Theo chúng tôi, Khoản 17 nên ghi: “Khoáng sản độc hại là khoáng sản chứa các nguyên tố có tính phóng xạ cao, có độc tính cho môi trường và con người như ‘U, Th, Hg, As, Pb, nhóm khoáng vật Asbet’ vượt quá các quy định an toàn môi trường Việt Nam”.

Về điều 5.

- Tiểu mục d) khoản 2 nên thay từ ‘thu hồi’ bằng từ ‘lấy được’.

Về điều 7.

-Phân bố các nguyên tố hóa học trong đá khá phức tạp, hầu hết các đá đều chứa một lượng các nguyên tố quý hiếm nếu nói không chứa thì không chính xác! Vậy cần phải có chỉ tiêu định lượng, căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia mới tránh được các tranh chấp trong quá trình triển khai thực tế Luật. Ví dụ:

- Khoản 4. Nên viết: Cuội, sỏi, sạn, cát không chứa hoặc có chứa hàm lượng thấp hơn (1/10) tiêu chuẩn quốc gia về khoáng sản quý (vàng, bạch kim, bạc, đá quý, đá bản quý, v.v.); đá ong không chứa hoặc có chứa hàm lượng kim loại tự sinh và khoáng vật kim loại thấp hơn (1/10) tiêu chuẩn quốc gia quặng tượng ứng.

- Các khoản 5, 6, 7 cũng nên rà soát về tiêu chuẩn định lượng và khả năng công nghệ để đưa khoáng sản đó vào khai thác và sử dụng.

Về điều 48.

-Trong điều này và các điều tiếp theo của chương VI (các điều khoản 49, 50) cần đưa tham chiếu đối với hoạt động bảo vệ môi trường theo Luật BVMT 2020 thì nó mới phù hợp và tránh sự trùng lập của văn bản Luật Địa chất và Khoáng sản với Luật BVMT đã ban hành còn hiệu lực.

Về mục 4 Chương VIII. Đóng cửa mỏ

- Các điều 95, 96, 97, 98, 99 có liên quan đến Luật BVMT 2020 nên cần tham chiếu với Luật BVMT 2020 đang còn hiệu lực để tránh sự bất cập giữa Luật Địa chất và Khoáng sản với Luật BVMT 2020 và Luật Tài nguyên nước đang sửa đổi.

Về điều 112. Trữ lượng để tính cấp quyền khai thác khoáng sản:

- Khoản 1. Nên lấy trữ lượng công nghiệp để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nếu lấy trữ lượng địa chất thì không hợp lý vì trữ lượng công nghiệp (thường chỉ bằng 50-60% trữ lượng địa chất) và trong thực tế doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ quan tâm đến trữ lượng công nghiệp (trữ lượng có thể khai thác quy mô công nghiệp). Hơn nữa nếu có thể thì quy định trữ lượng công nghiệp ở cấp thăm dò nào.

- Khoản 2. Không nên tính tiền cấp quyền khai thác theo sản lượng khai thác mà cần tính theo trữ lượng đã được khai thác để tránh việc doanh nghiệp chỉ tập trung vào chỗ dễ khai thác hay quặng giầu mà khai thác có lợi nhuận cao, bỏ lại trong lòng đất tài nguyên khoáng sản về sau không khai thác được.

Về điều 113.

- Khoản 1. Ghi rõ tên trữ lượng địa chất hay trữ lượng công nghiêp.

- Khoản 2. Cần cụ thể hóa giá tính tiền cấp quyền khai thác được tính bằng bao nhiêu % của giá tính thuế tài nguyên, tránh ban hành Nghị định hay Thông tư thêm, cũng như tránh sự vận dụng tùy tiện của cơ quan quản lý khi cấp quyền khai thác. Cũng như bỏ khoản 3 sau khi có số định lượng quy định này.

Một số ý kiến khác cụ thể khác về tài chính trong khai thác khoáng sản:

- Cấp quyền khai thác khoáng sản nên căn cứ vào trữ lượng công nghiệp của mỏ khi đã có số liệu thăm dò và tính toán trữ lượng của cơ quan chức năng.

- Thuế tài nguyên khoáng sản không nên tính bằng sản lượng khoáng sản đầu ra nhân với giá tài nguyên và thuế suất; làm như vậy sẽ dẫn đến khai thác không triệt để khoáng sản (hàm lượng chưa cao hay vị trí khó khai thác dưới lòng đất) mà phải tính bằng trữ lượng công nghiệp đã được doanh nghiệp khai thác.

- Phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản phải tính trên cơ sở các chi phí ngăn ngừa tác động tiêu cực của hoạt động khai thác tới môi trường không khí, nước và đất cụ thể ! Không nên tính theo sản lượng khoáng sản khai thác của doanh nghiệp.

- Phí đóng cửa mỏ cũng cần căn cứ vào các chi phí cụ thể đã đặt ra trong đề án cải tạo và phục hồi môi trường mỏ của danh nghiệp khi cấp quyền khai thác khoáng sản và phê duyệt đề án khai thác mỏ.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường (là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) cũng đã đăng tải nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học khi bàn tới một góc cạnh của dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. 

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Luật Địa chất và Khoáng sản được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới