Thứ ba, 23/04/2024 20:39 (GMT+7)
Thứ tư, 05/10/2022 16:10 (GMT+7)

Lợi ích kép từ mô hình ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền” tại Quảng Ninh

Theo dõi KTMT trên

Sau 6 tháng triển khai chương trình Ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền,” Công ty Cổ phần Xi măng và xây dựng Quảng Ninh, trụ sở tại thành phố Uông Bí, đã thu gom được hơn 20 tấn rác thải tái chế và chuyển cho khách hàng trên 100 triệu đồng.

Đây là chương trình “ATM rác" đầu tiên được thực hiện tại một nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam, không chỉ nhằm mục tiêu tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong sản xuất mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải nhà kính, cùng với tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi phát triển kinh tế từ “nâu sang xanh”.

Lợi ích kép từ mô hình ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền” tại Quảng Ninh - Ảnh 1
Người dân khu Hợp Thành (phường Phương Nam, TP.Uông Bí) đến gửi rác rút tiền tại Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh. (Ảnh: Internet)

Lợi ích kép từ mô hình ngân hàng "Gửi rác - Rút tiền"

Từ ngày 1/4/2022, Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh triển khai chương trình VracBank “Gửi rác - Rút tiền” đặt tại Nhà máy Ximăng Lam Thạch, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí. Vào đầu giờ sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty và nhân dân phường Phương Nam sẽ thu gom các loại rác như rác thải nhựa, kim loại, giấy, vải vụn... để đổi lấy tiền.

Bà Vũ Thị Thuần, sinh năm 1958, tổ 2, khu Hợp Thành, phường Phương Nam, hàng ngày đều thu gom vỏ chai nước ngọt, lon sữa, thùng giấy mang lên Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh để “Gửi rác - Rút tiền”.

Từ khi Phường và Công ty phát động, người dân đều gom các loại rác thải tái chế cho Hội Phụ nữ để bán gây quỹ hoạt động phong trào. Ngoài ra, các hộ có thể tự thu gom và mang lên Công ty. "Việc gom rác thải mang lại nguồn thu nhập nhỏ nhưng tích cực thu gom cũng có khoản chi phí và hơn hết là bảo vệ môi trường," bà Thuần cho biết thêm.

Cùng với việc phát động cán bộ, công nhân, người lao động và người dân "Gửi rác - Rút tiền", Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh còn phối hợp với phường Phương Nam, TP.Uông Bí tổ chức Cuộc thi vẽ tranh Giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường. Qua cuộc thi, học sinh có ý thức trong sinh hoạt, tự giác phân loại rác thải, bảo vệ môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Dáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phương Nam cho biết: Chương trình biến rác thải thành tiền có ý nghĩa quan trọng với công nhân lao động, người dân về bảo vệ môi trường. Công ty phối hợp với địa phương để vận động người dân cùng tham gia thu gom rác thải tái chế. Qua đó gắn trách nhiệm của người lao động, Ban lãnh đạo công ty, người dân để chủ động bảo vệ môi trường, biến rác tái chế được sử dụng cho mục đích khác.

Giải quyết bài toán về "nguyên liệu thay thế"

Xuất phát từ việc nguyên liệu sản xuất ximăng, nhất là nguồn than nung clinker là nguồn tài nguyên không tái tạo có giá thành rất cao và ngày càng cạn kiệt, Công ty Cổ phần Ximăng và Xây dựng Quảng Ninh đã hình thành ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế từ rác thải. Qua đó, vừa giải quyết bài toán về nguyên liệu thay thế trong sản xuất ximăng, tiết kiệm chi phí, vừa xử lý được khối lượng lớn rác thải nhựa, rác thải tái chế trong dân cư và các công trình, nhà máy, khu công nghiệp…

Nói về những tác động kép từ chương trình Ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền,” ông Vũ Trọng Hiệt - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh phân tích: 1kg chất thải nhựa khi đốt sẽ tỏa ra từ 4.000-4.500KCal, với nhiệt lượng tỏa ra như vậy tương đương với đốt 1kg than cám 5C. Công ty thu gom rác về sẽ cho băm nhỏ và đưa vào nung clinker.

Chất thải này cháy ở trong lò nung clinker nhiệt độ là 1.400 độ C, khác với cháy ở môi trường thông thường nên khi cháy ở môi trường nhiệt độ cao tất cả chất thải được cháy hoàn toàn và không phát sinh ra khí, chất thải độc hại khác, không có khói.

Qua sử dụng rác tái chế vào nung clinker cho sản xuất ximăng, Công ty tiết kiệm được khoảng 10-15% khối lượng than. Với giá than cám 4A có thời điểm lên tới trên 2 triệu đồng/tấn, trong một năm, việc sử dụng nguyên rác tái chế làm nguyên liệu sẽ làm lợi được hơn 13 tỷ đồng, xa hơn là giảm khí thải carbon, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, xây dựng ý thức cho người trong Công ty và cộng đồng xã hội về bảo vệ môi trường.

Khi rác thải tái chế mang lên đổi, sau khi định lượng và tính thành tiền, các khách hàng sẽ nhận được tem phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy, nhận tiền mặt (hoặc chuyển khoản) ngay lập tức.

Khách hàng có thể để dành số tiền đó trong tài khoản để tiết kiệm. Những người gom được trên 100kg sẽ có xe đến vận chuyển về nhà máy, giá thu mua cao hơn ngoài thị trường, hỗ trợ lãi suất đối với những tài khoản tích lũy lâu dài.

Đặc biệt, khi tài khoản đạt đến 300 điểm tích lũy, chủ tài khoản chưa rút tiền sẽ được Công ty cộng trả lãi suất cao gấp đôi lãi suất không kỳ hạn của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Đến nay, đã có khoảng 600 tài khoản VracBank với tổng số hơn 113.000 điểm tích lũy.

Ông Vũ Trọng Hiệt - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng và xây dựng Quảng Ninh cho biết thêm: Thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng mạng lưới thu mua, phân loại rác thải nhựa có thể tái chế trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngày 5/10, đơn vị sẽ phối hợp với một số phòng, ban chuyên môn của thành phố Uông Bí phát động rộng cuộc thi "Gửi rác-lấy tiền." Cá nhân tập thể có số lượng rác gửi cao nhất sẽ được nhận giải thưởng 10 triệu đồng.

Hiện, rác thải tái chế đã được phân loại ngay từ đầu và cho vào kho để tích trữ, tái chế tại công ty, khi đủ lượng sẽ được đưa vào nung clinker phục vụ sản xuất ximăng.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Lợi ích kép từ mô hình ngân hàng “Gửi rác - Rút tiền” tại Quảng Ninh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.