Thứ tư, 04/12/2024 07:06 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 10:00 (GMT+7)

Cần sớm xây dựng hướng dẫn và triển khai kỹ thuật phân loại rác

Theo dõi KTMT trên

Trong thời gian qua, công tác phân loại chất thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, về tổng thể, việc phân loại chủ yếu vẫn là xây dựng mô hình, chưa được triển khai bền vững, trên diện rộng. Để giải quyết các tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ TN&MT đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng hiệu quả phân loại rác, trong đó có việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại.

Phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa được triển khai thường xuyên

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016 - 2020” do Bộ TN&MT công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày. Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10 - 16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước). Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ. Việc phân loại chất thải rắn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý.

Cần sớm xây dựng hướng dẫn và triển khai kỹ thuật phân loại rác - Ảnh 1
Phân loại rác tại nguồn - vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững. (Ảnh: Internet)

Hiện tại, công tác phân loại CTRSH mới được thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn, phần cơ bản chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ - hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cho người dân sinh sống quanh khu vực.

Hiện, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng hơn 7.000 tấn rác, chủ yếu chuyển đến bãi chôn lấp thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây). Với công nghệ xử lý hiện tại và lượng rác thải ngày càng tăng, theo tính toán, những bãi chôn lấp rác này sẽ hết khả năng tiếp nhận trong thời gian không xa.

Mặc dù thời gian qua, công tác phân loại chất thải tại nguồn đã được các cấp, các ngành và địa phương tích cực xây dựng các chương trình, dự án để tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên, việc phân loại tại nguồn chưa đạt được kết quả cao do quy định chưa có tính cưỡng chế cao, chủ yếu mang tính khuyến khích. Mặt khác, hiện nay nhiều địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Do vậy, trong nhiều trường hợp, chất thải đã được phân loại được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, một số trường hợp cơ sở xử lý chỉ áp dụng một phương pháp xử lý chung đối với chất thải đã được phân loại nên hiệu quả của việc phân loại tại nguồn không cao.

Trong khi đó, công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, chưa tiết kiệm quỹ đất, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường, đã và đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Khẩn trương xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH

Để giải quyết các tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, CTRSH được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTRSH khác; đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Cần sớm xây dựng hướng dẫn và triển khai kỹ thuật phân loại rác - Ảnh 2

Từ nay cho đến thời điểm đó, Bộ sẽ thực hiện thí điểm, sớm hơn lộ trình quy định của Luật bảo vệ môi trường 2022 trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn; thu giá, phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo khối lượng, bao bì chứa tại một số tỉnh, thành phố lớn. Triển khai thực hiện hiệu quả quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp chủ động xây dựng hệ thống thu gom, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau xử lý của mình.

Hiện, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại nguồn để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng, thực hiện quy định nêu trên. Bộ sẽ ban hành và công bố Danh mục công nghệ xử lý CTRSH khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức triển khai; Xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp chất thải rắn và về lò đốt chất thải; Ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn để các địa phương làm căn cứ thực hiện; Triển khai thí điểm các hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình và cá nhân tại một số địa phương; Ban hành các hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật; truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý CTRSH theo các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thống nhất với Bộ Xây dựng về cơ quan ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bàn về vấn đề quy định liên quan đến phân loại rác thải, nhiều chuyên gia cho biết: Tuy đã có quy định rõ trong luật, nhưng hiện nay mỗi địa phương lại có cách thức phân loại khác nhau tùy thuộc vào công nghệ xử lý. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện phân loại rác thành 2 loại để hướng tới công nghệ đốt. Trong khi đó, các địa phương phân làm 3 loại do họ còn xử lý rác theo cách chôn lấp cũ. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để biến việc phân loại rác thành thói quen trong đại bộ phận dân chúng thì cần thời gian dài và cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, vân động, giáo dục, phổ biến ở các khu dân cư.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ: Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật bảo vệ môi trường khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt … Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Cần sớm xây dựng hướng dẫn và triển khai kỹ thuật phân loại rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới