Thứ bảy, 23/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 16:00 (GMT+7)

Loạt dự án "khủng" thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Thơ

Theo dõi KTMT trên

Để tiếp đà cho phát triển kinh tế, TP Cần Thơ đang tạo điều kiện tối đa cho các dự án lớn như cụm năng lượng tại Ô Môn, Khu công nghiệp VSIP ở Vĩnh Thạnh và Trung tâm liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy kinh tế

Vừa qua, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ đã có hiệu lực thi hành. Theo đó, nghị quyết xác định có 6 cơ chế đặc thù, được thực hiện trong 5 năm để phát triển TP. Cần Thơ.

Các cơ chế mà Quốc Hội đưa ra gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi; áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư.     

Loạt dự án "khủng" thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Thơ - Ảnh 1
Các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ thúc đẩy kinh tế Cần Thơ phát triển.

Để đưa Nghị quyết 45/2022/QH15 đi vào thực tiễn, có hiệu quả và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND nhằm triển khai nghị quyết.

Theo đó, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ phải dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của thành phố nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển, thí điểm các phương thức thực hiện đầu tư hiệu quả, hình thành khu vực đô thị - thương mại hàng không, tạo động lực mới cho thành phố và cả vùng.

Nhận định về việc thực hiện 6 cơ chế đặc thù này, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho rằng, việc triển khai thực hiện phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, khả năng huy động đa dạng các nguồn lực xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Đồng thời, việc thực hiện phải đảm bảo sự phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của Thành phố, đảm bảo các chính sách đầu tư được xây dựng theo định hướng đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư để phát triển một số lĩnh vực trọng điểm của thành phố. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo tính thống nhất, đáp ứng các quy định về thời gian, trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành.

Chú trọng hỗ trợ các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, cho biết, đối với những dự án trọng tâm, trọng điểm, nhất là liên quan đến Nghị quyết số 45/2022/QH15, Thành phố cố gắng làm sao triển khai sớm nhất Trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt tại TP. Cần Thơ. Bởi trung tâm này mang tính vùng, tạo điều kiện cho các tỉnh thành xung quanh và TP. Cần Thơ cùng phát triển.

“Thành phố cũng chỉ đạo với những dự án đã có nhà đầu tư đến, làm thủ tục hoặc chủ trương đầu tư thì phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hết mình cho doanh nghiệp. Trong đó có hai dự án là Nhiệt điện Ô Môn và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Vĩnh Thạnh”, ông Tâm thông tin.

Loạt dự án "khủng" thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Thơ - Ảnh 2
Cụm năng lượng điện Ô Môn hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế Cần Thơ

Thông tin về 3 dự án lớn nêu trên, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, cho biết, cụm năng lượng điện Ô Môn, trước đây là bốn nhà máy; sau đó EVN xin thêm một nhà máy nữa. Một nhà máy có vốn đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD. Năm nhà máy nhân lên thì vốn đầu tư bằng mấy chục năm vừa qua Thành phố kêu gọi đầu tư.

Cũng theo ông Hiển, hiện nay Nhà máy Ô Môn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động; Nhà máy Ô Môn 2 đã cấp chủ trương đầu tư và đang làm thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng; Nhà máy Ô Môn 3 đang xin Quốc hội để xin vốn ODA thực hiện, dự kiến sẽ triển khai sớm dự án này; Nhà máy Ô Môn 4 đang phát hành hồ sơ chọn lựa đơn vị thi công; Nhà máy Ô Môn 5 đang xin chủ trương để xây dựng thêm.

“Nếu đầu tư năm nhà máy này thì nguồn thu ngân sách Thành phố sẽ tăng rất lớn. Trong quá trình thi công xây dựng thì thành phố cũng thu được rất nhiều thuế. Đây là một trong những dự án rất quan trọng mà Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút… Vì vậy mà đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai cụm năng lượng Ô Môn này”, ông Hiển thông tin.

Liên quan đến Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), theo Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - ông Dương Tấn Hiển, Thành phố đã quy hoạch khu công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh là 900 ha. Thành phố giao giai đoạn 1 là 293 ha giao cho VSIP.

VSIP hiện là nhà đầu tư cũng đang khẩn trương xin Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. Thành phố cũng đang tập trung làm quy hoạch. Nhà đầu tư cũng cam kết với TP là 12 tháng sau doanh nghiệp vào khu công nghiệp này đạt 50% trở lên.

Về Trung tâm liên kết sản xuất tiêu thu nông sản ĐBSCL đặt tại Cần Thơ, ông Hiển cho biết, giai đoạn 1, như phê duyệt của Quốc hội là 490 ha. Nhưng Thành phố mong muốn quy hoạch lớn hơn, nhiều nhà đầu tư quan tâm Trung tâm này. Nếu liên kết sản xuất tiêu thu nông sản ĐBSCL sớm hình thành và đi vào hoạt động thì cũng là một trong những điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TP. Cần Thơ.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Loạt dự án "khủng" thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Thơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới